Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát hành bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc (tức từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2024). Đặc biệt trong giai đoạn dự báo sẽ có sự chuyển giao từ hình thái lạnh sang mùa nóng.
Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia xung quanh những nét thời tiết đáng lưu ý nhất trong giai đoạn trên.
Thưa ông, dự báo hoạt động của không khí lạnh trong thời gian tới như thế nào; liệu còn xuất hiện những đợt có cường độ mạnh hay không?
- Dự báo, không khí lạnh hoạt động yếu dần về cường độ trong giai đoạn cuối tháng 3 năm 2024. Rét đậm, rét hại chỉ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía bắc.
Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong thời kỳ nửa cuối tháng 3 năm 2024.
Từ tháng 4 chúng tôi dự báo không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Mưa nhỏ mưa phùn cũng giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ.
Trên phạm vi cả nước vẫn còn khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa (tức tháng 4 và tháng 5).
Vậy mùa nắng nóng ở miền Bắc đã khởi động trong giai đoạn nào thưa ông và dự báo thời điểm nào nắng nóng gay gắt nhất?
- Từ tháng 4 - 5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 độ C.
Tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ đã ghi nhận nắng nóng xảy ra sớm. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía tây thuộc Bắc Trung Bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vào tháng 4 - 6 năm 2024.
Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5.
Từ tháng 7 - 9, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5 - 1 độ C.
Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 - 8. Đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.
Như ông phân tích cần đề phòng khả năng nắng nóng xuất hiện nhiều hơn. Vậy nguy cơ xảy ra khô hạn như thế nào thưa ông?
- Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ tháng 4. Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 4 - 8 gây ảnh hưởng đến hoạt động đời sống và sản xuất.
Trân trọng cảm ơn ông!