Canh tác ngô bền vững trên đất dốc: Mô hình cần được nhân rộng và phát triển | Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Khu vực Tây Bắc của Việt Nam bao gồm 6 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai và Yên Bái. Nơi đây có khoảng 80% diện tích đất canh tác là đất dốc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại cây hàng năm, trong đó chủ yếu là trồng ngô trên đất dốc. Những năm vừa qua, sản xuất ngô được xem là loại cây có thế mạnh phát triển. Do nhu cầu tiêu thụ về sản phẩm ngô trong nước và thế giới tăng cao nên việc mở rộng diện tích đất sản xuất, sử dụng giống mới, đầu tư nhiều phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất và sản lượng ngô lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng năng suất và quy mô, người trồng ngô cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu bền vững như: xói mòn, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất canh tác…

Rủi ro gia tăng vì canh tác ngô thiếu bền vững

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, những khu vực có độ dốc lớn hơn 15 độ chỉ trồng cây lâu năm để hạn chế xói mòn đất. Tuy nhiên, tại các tỉnh Tây Bắc hiện nay, nhiều khu vực có độ dốc trên 25 độ vẫn canh tác ngô, không những vậy cây ngô còn “leo lên tận đỉnh đồi”, người dân có tập quán canh tác “cạo trọc đầu” nên xói mòn đất là vấn đề tất yếu.

Xói mòn đất tại Yên Châu, Sơn La (Ảnh: Dự án AGB2008/002)

Thời vụ trồng ngô tại các tỉnh Tây Bắc thường bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch, do đó, từ tháng 2 - 3, người dân đã phát dọn thực bì và đốt tàn dư trên nương rẫy. Việc đốt tàn dư tuy giúp giảm công thu dọn nhưng lại vô tình gây hại cho đất và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, kỹ thuật làm đất quá sâu cũng khiến đất đai bị xáo trộn và dễ bị bào mòn rửa trôi khi gặp những cơn mưa đầu mùa tầm tháng 5 - 6. Theo tính toán của các nhà khoa học, đối với đất trồng cây hàng năm có độ dốc dưới 5 độ, lượng đất xói mòn hàng năm vào khoảng 50-100 tấn/ha và đất dốc 15-20 độ là 100- 200 tấn/ha.

Không chỉ canh tác trên những vùng đất quá dốc khiến tình trạng xói mòn gia tăng, việc người dân sử dụng phân bón hóa học với số lượng lớn và không đúng cách cũng “góp phần” gây hại cho đất và môi trường xung quanh. Kết quả khảo sát cho thấy lượng phân bón cho ngô trên 1 ha/vụ trung bình là 750 kg NPK, 300 kg Đạm urê và 150 kg KCl, hầu hết lượng phân bón này được bón vào 2 lần: lần 1 bón lót trước khi trồng, lần 2 bón thúc khi ngô có 5 - 6 lá. Khi đất bị xói mòn, hàm lượng chất mùn và chất hữu cơ trong đất thấp nên người dân càng sử dụng nhiều phân bón hóa học thì đất càng bị chai cứng, phần lớn lượng phân bón vào đất cây không sử dụng được và bị rửa trôi theo nước mưa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Xói mòn và rửa trôi gây ô nhiễm khu vực dưới chân đồi (Ảnh: Dự án AGB2008/002)

Song song với việc lạm dụng phân bón hóa học, người trồng ngô còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát, trong đó chủ yếu là thuốc trừ cỏ có tính chất độc hại và thời gian tồn dư lâu. Nhiều người dân còn cho rằng càng sử dụng nồng độ cao thì tác dụng diệt cỏ càng nhanh và triệt để.

Sử dụng thuốc trừ cỏ cho ngô gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cây trồng (Ảnh: Internet)

Đề xuất giải pháp về kỹ thuật và chính sách

Từ những thực trạng canh tác thiếu bền vững của bà con vùng núi, Trường Đại học Tây Bắc đã phối hợp với nhiều cơ quan và các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế triển khai các Dự án, nghiên cứu về canh tác bền vững trên đất dốc, trong đó đặc biệt chú ý đến mô hình ngô. Qua đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp về kỹ thuật canh tác bền vững cây ngô trên đất dốc như sau:

* Áp dụng kỹ thuật che phủ đất

Giữ lại tàn dư thực vật trên nương (không đốt) để che phủ hoặc trồng các loại cây lưu niên để che phủ đất. Bên cạnh tác dụng chống xói mòn thì việc áp dụng kỹ thuật che phủ còn có tác dụng giảm cỏ dại, giữ ẩm và tăng chất hữu cơ cho đất; cây trồng sinh trưởng phát triển đều, giảm sử dụng thuốc trừ cỏ, phân bón được cây trồng sử dụng triệt để hơn.

Sử dụng tàn dư thực vật che phủ cho ngô tại Mộc Châu, Sơn La (Ảnh: Dự án AGB/2008/002)

* Trồng xen cây họ đậu

Sử dụng một số loại cây họ đậu bản địa như đậu tương, lạc đỏ địa phương, đậu nho nhe, đậu mèo trồng xen với ngô theo phương thức trồng dồn hàng để tăng độ che phủ mặt đất; tận dụng tiềm năng về đất đai, ánh sáng; hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và cải tạo đất.

Trồng xen lạc với ngô theo phương thức dồn hàng tại Mộc Châu, Sơn La (Ảnh: Dự án AGB/2008/002)

* Làm tiểu bậc thang kết hợp che phủ đất

Những mảnh nương rẫy có độ dốc cao cần phải làm tiểu bậc thang kết hợp sử dụng tàn dư thực vật che phủ đất. Tiểu bậc thang được làm từ dưới chân đồi lên, có kích thước rộng khoảng 40 - 45 cm, mỗi tiều bậc thang trồng được 1 hàng ngô hoặc 2 hàng so le nhau.

Tiểu bậc thang kết hợp che phủ đất tại Mai Sơn, Sơn La(Ảnh: Dự án AGB/2008/002)

* Nông lâm kết hợp

Đa dạng hóa, sử dụng nhiều loại cây trồng khác nhau với độ tàn che cao thấp khác nhau, thời gian sinh trưởng khác nhau là hướng đi tổng hợp và bền vững. Thành phần loài cây trong mô hình nông lâm kết hợp bao gồm: cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây lâu năm, cây hàng năm, cây lương thực ngắn ngày, cây thức ăn chăn nuôi. Để lựa chọn đúng thành phần cây trồng cần dựa vào điều kiện khí hậu, đất đai, điều kiện kinh tế, xã hội, tập quán canh tác của từng địa phương cụ thể.

Mô hình nông lâm kết hợp tại xã Nà Ơt, huyện Mai Sơn, Sơn La (Ảnh: Đinh Văn Thái, Dự án Nông Lâm kết hợp)

Để các giải pháp về mặt kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi và bền vững, cần có sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, riêng với đối với các nhà hoạch định chính sách, cần chú trọng xây dựng, ban hành các chính sách, kế hoạch, quy hoạch, đề án, chương trình phát triển nhấn mạnh đến xu hướng và mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thân thiện, giúp ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần chú trọng từ khâu lập kế hoạch chính sách, tham vấn ý kiến các bên liên quan đến việc ban hành, giám sát thực hiện chính sách. Mỗi địa phương cần đề ra kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu hàng năm cho từng bản, từng xã, từng huyện áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, đồng thời chủ động xây dựng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây ngô bằng một số loại cây thế mạnh của địa phương (Nhãn, Xoài, Cam, Quýt…). Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư, thị trường cho bà con nông dân, có chế độ khen thưởng, biểu dương những vùng, những người dân tiên phong áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc.

Đặng Văn Công, Khoa Nông - Lâm, Đại học Tây Bắc

Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/ngo-la-cay-phat-trien-tot-tren-dat-a72153.html