5 cách điều trị u não phổ biến – Bệnh có chữa được không?
Mỗi năm tại Việt Nam có hàng nghìn ca mắc u não mới. Hầu hết bệnh nhân khi không may mắc bệnh đều lo lắng: Bệnh u não có chữa được không, tiên lượng bệnh thế nào, cách điều trị u não ra sao,…
U não là một bệnh lý nguy hiểm, thường gặp tại các khoa Ung Bướu, khoa Ngoại thần kinh, khoa Xạ trị ở các bệnh viện lớn. U não có thể để lại di chứng khuyết tật hay thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy cách điều trị u não hiện nay ra sao?
Bệnh u não có chữa được không?
Bệnh u não có thể chữa được nhưng mức độ thành công tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Có hơn 130 loại u não khác nhau nên cách điều trị u não cho từng trường hợp cũng khác nhau. Theo đó, tiên lượng thành công sau điều trị cao hay thấp, thời gian sống còn lại của người bệnh dài hay ngắn hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm: (1)
Tính chất của khối u:
U não lành tính: Chiếm 71% tổng số ca u não.
Là loại khối u phát triển chậm. Phẫu thuật là cách chữa u não tốt nhất với khối u lành tính, có thể cắt bỏ được hoàn toàn khối u trong nhiều trường hợp. Bệnh ít có khả năng di căn hay tái phát lại sau khi điều trị.
Tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm (kể từ lúc chẩn đoán) là 91,8%.
U não ác tính: Chiếm 29% tổng số ca u não.
Là loại khối u nguy hiểm, có mức độ phát triển và di căn nhanh, dễ tái phát sau phẫu thuật. Bác sĩ thường phải kết hợp hai hay nhiều cách chữa u não khác nhau như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị mới có thể loại bỏ khối u hoàn toàn.
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm (kể từ lúc chẩn đoán) là 35,6%.
Vị trí của khối u: Khối u nằm tại các phần não khác nhau có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau, và để lại di chứng khác nhau:
Khối u não ở thùy đỉnh: Khiến bạn khó đọc, khó hiểu khi giao tiếp.
Khối u não ở thùy thái dương: Khiến bạn bị lãng tai, mất trí nhớ ngắn hạn tạm thời, hay quên.
Khối u vùng tiểu não: Khiến bạn đi đứng mất thăng bằng.
Kích thước khối u: Khối u càng lớn thì gây áp lực nội sọ càng cao. Do đó khả năng để lại biến chứng và rủi ro sau khi chữa u não cũng tăng cao.
Giai đoạn / cấp độ của khối u: U não được phát hiện càng sớm thì cách điều trị khối u não càng hiệu quả bởi kích thước và mức độ di căn của khối u còn trong tầm kiểm soát, chưa quá nguy hiểm đến tính mạng.
Mức độ phát triển & di căn: Khối u phát triển & di căn với tốc độ càng nhanh, mức độ di căn càng sâu rộng thì càng khó chữa trị. Một số khối u phát triển rất nhanh sau vài tuần hoặc vài tháng, một số khối u lại phát triển rất chậm, chỉ tăng khoảng 2-3mm mỗi năm.
Khả năng đáp ứng: Một vài khối u phản ứng tốt với hóa trị, xạ trị nhưng một vài khối u khác thì “cứng đầu” kháng thuốc gây khó khăn cho bác sĩ. Việc điều trị u não lúc này sẽ rất tốn kém cũng như để lại nhiều tác dụng phụ. Nếu điều trị phẫu thuật u não thì công nghệ, máy móc hiện đại sẽ góp phần quyết định hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Khả năng tái phát: Khối u ác tính giai đoạn 3, 4 (giai đoạn cuối) thường có khả năng tái phát sau điều trị rất cao. Lúc này, mầm mống của khối u đã di căn sâu và có thể trở lại bất cứ lúc nào. Ngược lại, khối u lành tính hay khối u giai đoạn sớm có thể được chữa trị hiệu quả với tiên lượng sống khá cao.
Cơ địa bệnh nhân: Nhìn chung, sức khỏe tổng quát của người bệnh càng tốt, tuổi tác càng trẻ thì khả năng chữa u não thành công càng cao. Nhóm người trẻ dưới 40 tuổi có tỉ lệ thành công chữa khỏi u não ác tính cao hơn.
Dinh dưỡng: Tình trạng dinh dưỡng kém, suy nhược cơ thể,… có thể gây khó khăn và làm giảm hiệu quả điều trị u não. Người bệnh được khuyến khích tích cực ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung các loại vitamin cần thiết theo lời khuyên từ bác sĩ nhằm hỗ trợ cơ thể tối đa trong việc khôi phục hệ miễn dịch và những tổn thương sau khi điều trị u não.
5 cách điều trị u não phổ biến
Hiện nay, có 5 cách điều trị u não được áp dụng phổ biến bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, sử dụng thuốc điều trị nhắm mục tiêu, kiểm soát triệu chứng và phục hồi chức năng sau điều trị.
Việc áp dụng một hay nhiều phương pháp điều trị u não khác nhau sẽ được bác sĩ cân nhắc lựa chọn sau khi đã xem xét kỹ các đặc điểm của khối u, sức khỏe tổng quát và các tác dụng phụ tương ứng.
Với các trường hợp u não lành tính: Phẫu thuật là cách chữa u não phổ biến và thường sẽ không cần thêm phương pháp nào khác.
Với các khối u ác tính: Cách điều trị bệnh u não trong trường hợp này thường là kết hợp phẫu thuật với xạ trị, hóa trị. Đôi khi chỉ có xạ trị, hóa trị với các khối u ác tính giai đoạn cuối mà không cần phẫu thuật.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là cách điều trị u não có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ được khối u não càng nhiều càng tốt mà không làm tổn thương các mô khỏe mạnh ở vùng não lân cận. (2)
Phạm vi áp dụng
Phẫu thuật được áp dụng khi u não nằm ở vị trí có thể dễ dàng tiếp cận để phẫu thuật. Với các khối u nằm quá sâu trong não, xạ trị và hóa trị là cách điều trị bệnh u não thích hợp hơn.
Một số khối u nhỏ, dễ dàng bóc tách ra khỏi mô não xung quanh thì việc lựa chọn phẫu thuật là cách điều trị bệnh u não tối ưu nhất giúp cắt bỏ được khối u một cách hoàn toàn, ngăn ngừa khả năng tái phát.
Trong khi đó, một vài khối u khác thì không thể tách khỏi mô não xung quanh hoặc nằm gần các khu vực nhạy cảm khiến phẫu thuật trở nên quá rủi ro. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc xem có khả thi để áp dụng phẫu thuật hay không.
Nếu có, bác sĩ sẽ cố gắng phẫu thuật với mục đích loại bỏ được càng nhiều khối u càng tốt. Việc cắt bỏ khối u (dù chỉ là một phần nhỏ) cũng có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng đau đầu, co giật, nôn mửa,… do nó gây ra.
Xạ trị
Xạ trị là cách điều trị u não mà qua đó, một chùm tia bức xạ sẽ được chiếu vào vị trí khối u nhằm tập trung cao độ tiêu diệt tế bào u não. Các chùm tia thường được sử dụng xạ trị là tia X, tia Gamma và tia Beta. (3)
Mục tiêu của xạ trị là tiêu diệt các tế bào u não trong khi vẫn giữ cho các mô não khỏe mạnh xung quanh không bị tổn thương. Xạ trị thường được chia thành 10 đến 30 buổi điều trị, tùy thuộc vào loại khối u. Mỗi buổi xạ trị thường diễn ra nhanh chóng và bạn có thể về nhà ngay trong ngày.
Giống như phẫu thuật, hiện nay xạ trị cũng được ứng dụng rất nhiều công nghệ và kỹ thuật bức xạ mới, bao gồm cả kỹ thuật giải phẫu phóng xạ lập thể và liệu pháp chùm tia proton đã và đang mang lại nhiều kết quả khả quan cho người bệnh.
Phạm vi áp dụng
Xạ trị là cách điều trị u não phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt dành cho các khối u não thứ phát - một loại khối u hình thành do di căn từ ung thư ở một vùng khác lan sang não.
Hóa trị
Hóa trị là cách điều trị u não sử dụng thuốc (các hợp chất hóa học chuyên dụng) để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào khối u.
Tỉ lệ cải thiện khả năng sống sót của phương pháp hóa trị trên các bệnh nhân mắc u não nguyên phát ác tính là khá thấp (chỉ 20%). Bên cạnh đó, những kết quả tích cực trong việc chữa u não bằng hóa trị thường không được cam kết. Vì thế, hóa trị là cách điều trị u não thường được cân nhắc kỹ càng, ít được ưu tiên như phẫu thuật và xạ trị. (4)
Để xác định hóa trị có nên là một cách điều trị u não trong trường hợp cụ thể nào đó hay không, bác sĩ thường căn cứ vào sức khỏe tổng thể của người bệnh, loại khối u, mức độ ung thư cũng như khả năng chống chọi lại với các tác dụng phụ sau hóa trị của cơ thể người bệnh.
Hóa trị có thể được cung cấp cho bệnh nhân dưới 03 hình thức:
Đường tiêm: Hóa trị liệu truyền tĩnh mạch được thực hiện bằng cách tiêm (hoặc truyền) thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch của bệnh nhân.
Đường uống: Hóa trị đường uống được thực hiện thông qua một viên thuốc uống.
Đường phẫu thuật: Áp dụng khi đặt thuốc Gliadel Wafers trực tiếp vào não. Thuốc Gliadel Wafers là các tấm thuốc hình tròn, được đưa trực tiếp vào chỗ trống ở não sau khi khối u được cắt bỏ, áp dụng phổ biến trong điều trị u thần kinh đệm ác tính.
Phạm vi áp dụng
Hóa trị có thể áp dụng ở cà người lớn và trẻ em, nhưng thường được sử dụng ở trẻ nhỏ thay vì xạ trị, vì bức xạ trong xạ trị có thể có tác động tiêu cực đến não đang phát triển.
Thuốc điều trị nhắm mục tiêu & kiểm soát triệu chứng
Thuốc điều trị nhắm mục tiêu (Targeted Drug Therapy)
Khác với hóa trị liệu (thường giết chết tất cả các tế bào nào phân chia nhanh chóng), thuốc điều trị nhắm mục tiêu là những loại thuốc chỉ nhắm trực tiếp vào một phần nhất định của tế bào ung thư, ví dụ như nhóm các protein giúp u não phát triển và di căn, qua đó làm chết khối u.
Bên cạnh đó, thuốc điều trị nhắm mục tiêu còn có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào u não một cách tự nhiên, cũng như vận chuyển thuốc hay bức xạ đến tận khối u để tiêu diệt chúng.
Thuốc nhắm mục tiêu có thể được truyền vào cơ thể qua đường tiêm tĩnh mạch hay đường uống dưới dạng viên nén, viên nang hoặc chất lỏng uống tại nhà.
Thuốc kiểm soát triệu chứng
Bên cạnh đau đầu thì u não còn đem đến nhiều triệu chứng đi kèm như co giật, nôn mửa, sưng tấy, viêm nhiễm vùng não xung quanh khối u. Lúc này, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn các loại thuốc hỗ trợ (bao gồm cả steroid) nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng do u não gây ra. Trong đó bao gồm:
Thuốc chống động kinh: Phenytoin, natri valproate và carbamazepine là các loại thuốc phổ biến để kiểm soát cơn co giật. Bạn thường có chúng dưới dạng viên nén hoặc dung dịch chất lỏng uống hàng ngày.
Thuốc giảm phù não: Là một loại steroid bạn có thể có trong quá trình điều trị giảm phù não. Thuốc giảm phù não được dùng phổ biến là Methylprednisolone.
Thuốc giảm đau: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau do khối u gây ra hoặc cơn đau sau phẫu thuật, bạn có thể cần thuốc giảm đau theo toa, chẳng hạn như Neurontin (gabapentin).
Thuốc điều trị nội tiết tố: Nếu bạn mắc u não tại vị trí tuyến yên (vùng quản lý việc tạo ra các hormone trong cơ thể) thì lúc này thuốc điều trị nội tiết tố là một liệu pháp thay thế cấp bách được sử dụng sau khi khối u tuyến yên được cắt bỏ.
Phục hồi chức năng sau điều trị
U não có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên não bộ nên nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ chức năng sinh học nào trên cơ thể, chẳng hạn như kỹ năng vận động, giao tiếp, thị lực và suy nghĩ.
Do đó, việc lựa chọn các phương pháp phục hồi chức năng sau điều trị là một phần cần thiết của quá trình hồi phục. Tùy thuộc vào cách điều trị khối u não và nhu cầu của bạn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến:
Vật lý trị liệu (physical therapy): Giúp bạn lấy lại các kỹ năng vận động bị mất như cầm nắm, đi lại, chạy nhảy hoặc các sức mạnh cơ bắp khác.
Hoạt động trị liệu nghề nghiệp (occupational therapy): Giúp bạn trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường.
Trị liệu ngôn ngữ: Bạn sẽ được gặp gỡ các chuyên gia nghiên cứu bệnh lý về giọng nói để khắc phục chứng khó nói, khó giao tiếp sau khi chữa u não.
Gia sư (áp dụng cho trẻ em trong độ tuổi đi học): Giúp trẻ thích ứng với những thay đổi trong suy nghĩ và trong trí nhớ của chúng sau khi điều trị u não.
Tác dụng phụ của phương pháp điều trị u não
Đau đầu là tác dụng phụ phổ biến nhất của hầu hết các phương pháp điều trị u não. Đau đầu xảy ra ở hơn 90% bệnh nhân sau khi chữa u não bằng phẫu thuật bởi lúc này vết thương vẫn còn chưa lành. Ngoài ra, xạ trị và hóa trị cũng khiến bạn đau đầu trong thời gian dài sau điều trị bởi tác dụng phụ của thuốc và tia bức xạ.
Các cơn đau đầu có thể xuất hiện cục bộ từng phần như đau nửa đầu trước, đau nửa đầu trái-phải hoặc lan rộng ra cả vùng đầu. Bên cạnh đó, mỗi cách điều trị u não khác nhau cũng có những tác dụng phụ khác nhau:
Phẫu thuật:
Tác dụng phụ của phẫu thuật u não còn phụ thuộc vào vị trí của khối u. Nếu khối u nằm quá sát dây thần kinh thị giác thì bệnh nhân có rủi ro bị mất thị lực sau phẫu thuật. Nếu khối u nằm ở nền sọ thì các dây thần kinh liên quan có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiễm trùng, sưng (phù nề) do tích tụ chất lỏng trong mô não, xuất hiện các cục máu đông sau phẫu thuật tuy hiếm gặp nhưng cũng có thể là các rủi ro mà bệnh nhân chữa u não bằng phương pháp này nên cân nhắc.
Xạ trị
Tùy thuộc vào loại tia và lượng tia bức xạ bạn nhận được khi xạ trị mà tác dụng phụ sẽ có mức độ khác nhau. Các tác dụng phụ sau xạ trị có thể kể đến như như đau đầu, nôn mửa, buồn nôn, mệt mỏi, kích ứng da đầu, rụng tóc, gặp khó khăn về trí nhớ và phát âm, co giật,…
Hóa trị
Mức độ của các triệu chứng sau hóa trị hoàn toàn phụ thuộc vào loại thuốc hóa trị và liều lượng thuốc bạn nhận được. Uể oải, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa và rụng tóc là các tác dụng phụ phổ biến của hóa trị liệu.
Thuốc điều trị nhắm mục tiêu:
Da ngứa, phát ban, khô da, rụng tóc, đổi màu tóc, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, sưng ở mặt, bàn tay và bàn chân là những tác dụng phụ điển hình khi lựa chọn cách chữa u não bằng thuốc nhắm mục tiêu.
Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị u não
Dù áp dụng bất kỳ cách điều trị u não nào thì sau điều trị, bệnh nhân cũng thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi, đau đầu, đôi khi có kèm theo hoa mắt, chóng mặt và các triệu chứng suy giảm chức năng khác.
Lúc này, việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà sau khi chữa u não là việc làm vô cùng quan trọng để giúp họ hồi phục sức khỏe. Trong đó bao gồm:
Chăm sóc vết thương: Bạn cần phải bảo vệ và chăm sóc vết thương tới khi vết mổ lành hẳn. Theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể tự thay băng tại nhà hoặc đặt lịch hẹn thay băng định kỳ tại phòng khám. Nếu bạn bị chảy máu, rỉ dịch, sốt, đau, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn: Một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn mà bạn có thể dùng để chữa đau đầu tại nhà như Tylenol (acetaminophen), Advil (ibuprofen), Aleve (naproxen sodium) và Excedrin. Để chắc chắn, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ của bạn về liều lượng dùng các loại thuốc này.
Theo dõi nhịp sinh học: Một khối u não tái phát sau điều trị có thể ảnh hưởng đến nhịp thở và nhịp tim của bạn. Do đó, việc sở hữu một thiết bị theo dõi nhịp sinh học khi ở nhà, đặc biệt là khi bạn đang ngủ là một việc làm hết sức quan trọng.
Mục đích: Các thiết bị này sẽ giúp bạn theo dõi nồng độ oxy máu, đo nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Chúng giúp bạn cảnh báo những thay đổi đột ngột cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ khác: Nếu sau điều trị u não, bạn bị suy giảm thị lực thì chắc chắn sẽ cần kính đọc sách, kính lúp để có thể nhìn và đọc. Nếu bị suy giảm thính giác, bạn có thể sẽ cần máy trợ thính. Nếu bạn bị yếu một chi thì cặp nạng chống đỡ, hỗ trợ đi lại sẽ rất cần thiết.
Tóm lại, có nhiều cách điều trị u não khác nhau và mỗi cách lại có những cách phục hồi chức năng sau điều trị khác nhau. Do đó, bạn hãy chủ động hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn liệu trình chăm sóc và phục hồi tối ưu nhất.
Bệnh u não càng để lâu càng nguy hiểm. Hãy liên hệ ngay với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu có thể tiềm ẩn bệnh u não nào như động kinh, đau đầu nhiều ngày liên tục, co giật kèm hoa mắt… để được thăm khám và tầm soát kịp thời.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về cách điều trị u não mà bạn cần biết. Hy vọng qua bài viết này, bạn phần nào hiểu được bệnh u não có chữa được không, các phương pháp điều trị u não cũng như các lưu ý khác để có thể chủ động thăm khám và điều trị. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh xin chân thành cảm ơn!