Nghề báo - nghề của "đam mê", "bản lĩnh" và "trách nhiệm"

(ĐCSVN) - Cũng như bất kỳ công việc lao động chân chính nào, công việc của những người làm báo đã tạo nên những sản phẩm thông tin có giá trị đối với đời sống xã hội. Sự lao động chăm chỉ, nghiêm túc của đội ngũ những người làm báo đã góp phần làm nên một nền báo chí với thực tiễn sinh động, ngày càng hướng tới sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng, là phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong cuộc gặp mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí chiều ngày 16/6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: “Trải qua 98 năm xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh của cách mạng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, sức mạnh và uy tín Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/6 cũng nhấn mạnh: "Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước". Theo Thủ tướng, đây là truyền thống vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 98 năm (21/6/1025 - 21/6/2023), nền báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn sát cánh cùng những bước thăng trầm của đất nước trong mọi giai đoạn. Báo chí đã luôn cho thấy tinh thần chiến đấu, mà ở đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về công tác báo chí. Trước rất nhiều cơ hội và thách thức của thời đại 4.0, “đam mê”, "bản lĩnh và “trách nhiệm” được coi là những chìa khóa giúp những người làm báo hiện nay giữ được “lửa nghề” và “đứng vững”, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ người làm báo đi trước.

Có lẽ chưa bao giờ, câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo lại được nhắc tới nhiều như hiện nay. Không phải vì chỉ có nghề báo mới gắn liền với “trách nhiệm xã hội” mà bởi, cũng như những lĩnh vực nghề nghiệp khác, nghề báo hiện nay đứng trước nhiều cám dỗ, nhiều thách thức liên quan đến tính trung thực, tính nhân văn, tính lợi ích,… Có một bộ phận người hoạt động trong lĩnh vực báo chí đã bị cuốn theo những biến đổi tiêu cực của đời sống xã hội, mờ nhạt trong việc thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, dần đánh mất đi lòng tin của người dân đối với báo chí.

Một nhà báo có trách nhiệm với xã hội trước hết phải là người có trách nhiệm đối với mỗi câu từ mình viết ra. Những câu từ đó không thể đi ngược lại với các quan điểm, pháp luật hiện hành, không thể gây tổn thương cho cộng đồng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tôn chỉ, mục đích của tòa soạn.

Sức mạnh của truyền thông, báo chí nằm ở khả năng tác động vào dư luận xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chỉ cần vài giây, một bức ảnh, một mẩu tin hay một video clip có thể lan truyền mức độ chóng mặt tới các đối tượng độc giả, công chúng ở trong và ngoài nước, thì nhà báo cần có “tâm” và “tầm” trong việc lựa chọn thông tin gì để lan tỏa tới công chúng. Nhà báo cần có bản lĩnh và hiểu biết để phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, hay - dở,… trong việc lựa chọn đề tài, trong cách tiếp cận và phản ánh; cũng như luôn đặt lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc lên trên hết để khơi nguồn thông tin và định hướng dư luận.

Tại Tọa đàm “Hội ngộ Giải A Giải Báo chí Quốc gia” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023 (tháng 3/2023), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: “Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân”. Đây chính là sự ghi nhận của đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đối với những nhà báo và tác phẩm xuất sắc của họ trong việc thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/nghe-bao-a47232.html