Thiên văn học, Vật lý thiên văn & Vũ trụ học khác nhau như thế nào?

Thiên văn học, Vật lý thiên văn và Vũ trụ học là ba ngành nghiên cứu có mỗi quan hệ gần gũi và thường được cho là giống nhau. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa phạm vi và mục đích nghiên cứu của ba ngành này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều đó là gì.

THIÊN VĂN HỌC (Astronomy)

Thiên văn học được định nghĩa là “ngành khoa học nghiên cứu tính chất, vị trí tương đối và chuyển động của các thiên thể; đó là các vật thể vũ trụ nằm bên ngoài Trái Đất, cũng như cả bản thân Trái Đất, khi xét trong mối tương quan với các thiên thể kia.”

Thiên văn học chủ yếu liên quan đến việc quan sát vũ trụ và dự đoán vị trí các thiên thể khác nhau trong không gian. Quan sát bầu trời cũng thuộc Thiên văn học. Ảnh: secretsofuniverse.in

Vì thế Thiên văn học xử lý các quan sát của các hiện tượng trên bầu trời, bao gồm việc dự đoán vị trí của các hành tinh, thiên thực, đường đi của sao chổi, mưa sao băng, v.v… Bên ngoài Hệ Mặt Trời, Thiên văn học nghiên cứu đến các tinh vân, sao, thiên hà và dự đoán vị trí, tìm hiểu quang phổ của chúng (trên các miền tia X, Vô tuyến, tia Gamma, Hồng ngoại,…). Thiên văn học chủ yếu tập trung vào cơ thiên thể và quang học để nghiên cứu vị trí và thành phần của một số thiên thể.

VẬT LÝ THIÊN VĂN (Astrophysics)

Vật lý thiên văn được định nghĩa là “một nhánh của thiên văn học chuyên áp dụng các định luật vật lý và hóa học để xác định bản chất của các thiên thể, thay vì tìm hiểu vị trí và chuyển động của chúng trong không gian.”

Vật lý thiên văn nghiên cứu sự tiến hóa của sao, thiên hà và bản chất của ISM (Môi trường liên sao). Tiến hóa sao là một phân ngành nổi tiếng của Vật lý thiên văn. Ảnh trên là sơ đồ biểu thị sự tương quan giữa nhiệt độ và độ sáng của sao. Ảnh: secretsofuniverse.in

Vậy nên khi bạn áp dụng các định luật chính xác của vật lý học vào các thiên thể, bạn bước vào địa hạt của Vật lý thiên văn. Vật lý thiên văn nghiên cứu Mặt Trời, các sao, môi trường liên sao và nền vi sóng vũ trụ. Vật lý thiên văn cũng khảo cứu phổ điện từ được các quang phổ kế thu nhận và từ đó suy luận ra các đặc điểm vật lý, hóa học của thiên thể. Nhà vật lý thiên văn sẽ sử dụng các bộ môn chủ chốt của vật lý để giải mã vũ trụ. Cơ học thống kê, Cơ học lượng tử, thuyết tương đối rộng, nhiệt động lực học, điện động lực học, vật lý hạt nhân và vật lý hạt cơ bản là những công cụ giúp nhà vật lý thiên văn có thể giải mã những bí ẩn của vũ trụ.

VŨ TRỤ HỌC (Cosmology)

Vũ trụ học được định nghĩa là “ngành nghiên cứu nguồn gốc, sự tiến hóa và số phận cuối cùng của vũ trụ”.

Vũ trụ học đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn về vũ trụ: Nguồn gốc và số phận. Ảnh trên mô phỏng quá trình lạm phát của vũ trụ. Ảnh: secretsofuniverse.in

Vũ trụ học nghiên cứu vũ trụ ở tầm vĩ mô, coi vũ trụ như là một tổng thể. Vũ trụ học vật lý (Physical cosmology) được nghiên cứu bởi các nhà khoa học, như nhà thiên văn hoặc vật lý thiên văn, cũng như giới triết gia, như nhà siêu hình học, nhà triết học vật lý, nhà triết học về không thời gian. Vì có cùng phạm vi nghiên cứu với triết học, cho nên các thuyết trong ngành vũ trụ học vật lý có thể chứa cả các vấn đề khoa học và phi khoa học, và có thể phụ thuộc vào những giả định không thể kiểm chứng được. Vũ trụ học khác Thiên văn học ở chỗ vũ trụ học nghiên cứu vũ trụ trên tổng thể trong khi Thiên văn học lại nghiên cứu các thiên thể riêng rẽ trong vũ trụ.

Earthgrazer - Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)

Dịch từ The Secrets of Universe

Comments

comments

Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/vat-li-thien-van-va-vu-tru-hoc-a46886.html