Điều đặc biệt, cũng trong năm 2023, Như Ý tốt nghiệp song song Cử nhân Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT). Như Ý có buổi chia sẻ đầy thú vị về chuyện học Phật của mình với Giác Ngộ.
Nói về “cú đúp” hai bằng cử nhân trong năm 2023, và chia sẻ về cảm xúc của mình khi vừa nhận bằng cử nhân của Đại học Huflit và Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Như Ý cho biết:
- Con thật biết ơn khi được tham gia học Phật từ rất sớm. Là học viên nhỏ tuổi nhất khoa Phật học từ xa VI, với con, đây là niềm vinh dự, điều diễm phúc, và cũng chính là bổn phận tiếp nối Phật pháp của người con Phật.
Con theo học ở Học viện Phật giáo là do nhân duyên. Con biết đến Khoa Đào tạo từ xa khi học lớp 11. Lúc đấy con nghĩ sau này vẫn còn thích thì sẽ đăng ký học. Và đến khi học xong lớp 12, con vẫn còn thích thật, nên đăng ký học luôn. Con còn nhớ lúc đăng ký ghi danh, còn vài ngày nữa mới đủ 18 tuổi. Con biết Phật pháp từ khi còn nhỏ, và may mắn, đến hiện tại vẫn chọn học Phật pháp. Có rất nhiều lý do, nhưng nếu chọn một, con sẽ cho là: “Con thích, rất thích”. Vì rất thích nên con sắp xếp để được vừa học bên trường Đại học HUFLIT, vừa học ở Học viện Phật giáo.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trao Bằng tốt nghiệp đến Nguyễn Thị Như Ý
* Bạn chia sẻ là người biết Phật pháp từ nhỏ, Như Ý có thể chia sẻ về quá trình học Phật của mình diễn ra như thế nào không?
- Con sinh ra và lớn lên tại An Giang, cũng là nơi bắt nguồn của Phật giáo Hòa Hảo. Con được học giáo lý Phật giáo Hòa Hảo từ khi còn bé. Năm lên 8 con được sự dạy dỗ của các chú trong đạo, lúc 9 tuổi đã bắt đầu chia sẻ Phật pháp. May mắn của con là được nhiều vị hoan hỷ và quý mến. Theo dòng nhân duyên, dần dần các bài trao đổi Phật pháp lên YouTube của con được nhiều lượt xem. Nhắc đến “Bé Như Ý Phật giáo Hòa Hảo” thì quý bà con trong đạo đều quý. Con nhận thấy, nếu trừ ra những áp lực và khắc nghiệt từ sự nổi tiếng, con nhận được bội lần sự yêu thương, bảo vệ của những khán giả mến con.
Con đến với Phật giáo từ sau lần đọc bài phỏng vấn của Đức Huỳnh Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo trả lời Báo Quần chúng (14-11-1946), ngài cho rằng: “Đối với toàn thể tín đồ Phật giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca…”. Ngoài ra, ngài còn đề cập đến rất nhiều điều liên quan đến giáo lý nhà Phật. Con đã tìm hiểu và thích lúc nào không hay.
Mặc dù học Phật nhưng con vẫn đồng hành cùng các cô chú trong hoạt động từ thiện của Phật giáo Hòa Hảo và con hạnh phúc với những điều con đang thực hành.
* Là một người trẻ học Phật, bạn nhận định thế nào về những khó khăn đã trải qua?
- Con rất thích câu thơ: “Không đau khổ lấy chi chất liệu”. Con hiểu được rằng, mình đến nhân gian chính là vấn đề, và nhiệm vụ của mình là phải giải quyết vấn đề ấy. Nếu cuộc đời không có đau khổ, đạo Phật xuất hiện làm chi. Quan trọng, con tự học cách trị liệu cho chính mình để ngày càng tự tin hơn trong việc lắng nghe và chia sẻ cùng mọi người. Khi đặt mình vào vị trí của người khác, tự khắc ta sẽ dễ dàng cảm thông cho họ tương tự vấn đề “hiểu và thương” mà Làng Mai thường xuyên đề cập.
Con xin được chia sẻ thêm, thật sự, kiến thức của 4 năm học tại Học viện Phật giáo đã cứu rỗi cả đời con. Con biết được Phật pháp rộng đến thế nào; nhân quả, nghiệp báo quan trọng ra làm sao. Cái tôi của con rất lớn, nhưng khi hiểu được nhiều hơn qua lời giảng dạy của các vị giáo thọ, con đã biết cách điều phối và hạn chế phần nào. Từ đó, việc học và tu của con cũng tốt hơn.
* 4 năm học ở học viện, theo bạn, giá trị lớn nhất mà bạn nhận về là gì?
- Có lẽ là giá trị về tâm linh. Được học Phật trong độ tuổi mới lớn là điều may mắn lớn nhất của đời con. Tiếp nhận được đạo là duyên, thấm nhuần và duy trì chất đạo là sự tu tập. Lý thuyết chỉ vô nghĩa khi mình không biết cách áp dụng. Quý giáo thọ sư đã dẫn dắt con đi sâu vào các kiến thức mà trước đó con chỉ nghe qua. Học Vi Diệu Pháp, con biết được mọi ý nghĩ nảy ra dẫn tâm đến đâu để mình biết cách điều phối nó. Hay luận Trung Quán đã nói lên sự tầm thường của sinh tử, mọi thứ đến do duyên hợp, đi do duyên tan.
* Để có thể bình thản mà đi qua hết thảy, cũng như không để mình kẹt lại với hào quang của người nổi tiếng, bạn có kinh nghiệm hay phương pháp nào trong chuyện này?
- Con rất trân quý sự yêu thương và quan tâm của tất cả mọi người. Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Con đã thực hành nhiều hơn để vượt qua ranh giới của thương và ghét. Và cách duy nhất, theo con, để vượt qua hào quang của người nổi tiếng là đừng thấy mình nổi tiếng. Tức là học hỏi, tìm hiểu, khám phá nhiều nhất có thể để trông mình thật nhỏ bé nhưng đong đầy hạnh phúc.
Như Ý cùng các Thầy và anh chị cùng khóa trong hành trình về Yên Tử
* Cuối cùng, nếu có một chia sẻ về tu học với những người trẻ, bạn dành lời khuyên nào?
- Nên tu học sớm nhất có thể. Người trẻ không có xu hướng tìm về Phật pháp nhiều bởi vì họ có nhiều việc để bận tâm, nhiều trải nghiệm mà họ trông đợi. Hay là, đang trong một độ tuổi phơi phới ai lại đi chùa, đi tu. Cũng chưa phải tiếp xúc với quá nhiều đau khổ nên cần chi chỗ nương tựa. Tuy nhiên, nếu ta thay đổi góc nhìn, “uốn cây từ thuở còn non”, tu học từ thuở mới bắt đầu trưởng thành để Phật pháp len lỏi vào trong tâm thức và kết thành một nền tảng tư duy lương thiện, đứng đắn. Mình lớn lên bao nhiêu, tinh thần Phật đạo trong mình càng rộng ra bấy nhiêu.
Lúc còn đi học tại học viện, mấy ngày mệt mỏi con cũng chẳng tiếp thu được gì dù ngồi hàng giờ nghe quý thầy giảng, nhưng tối thiểu, trong lúc đó con không làm, không nghe và không nghĩ điều ác. Tu học càng sớm càng giảm thiểu đau khổ trong cuộc sống. Thật ra, đau khổ thì vẫn cứ đến nhưng nếu tu đúng, ta sẽ biết cách điều khiển và chế ngự nó. Và khi hiểu rõ ràng định luật nhân - quả, nghiệp - báo mà Đức Phật thuyết, nó sẽ làm hàng rào bảo vệ giới hạnh của mình. Càng ít ác nghiệp, đời càng thong dong.
* Cảm ơn Như Ý về những chia sẻ thú vị này. Chúc bạn năm mới nhiều sức khỏe, bình an!
Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/be-nhu-y-bay-gio-ra-sao-a43340.html