Trại rắn nước được anh Tĩnh nuôi ở khu ruộng trũng thôn Tu Lề, xã Kim Động, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Chàng trai trẻ này đã dám nghĩ, dám làm và anh đã thành công trong việc thuần hóa loài rắn mòng.
Sau hơn chục năm mày mò tìm hiểu, anh Tĩnh đã “thu phục” được loài rắn nước.
Khu nuôi rắn của anh Tĩnh rộng 360m2 ở giữa đồng thôn Tu Lề, với trên 200 con rắn sinh sản. Trong đó có nhiều con đạt trọng lượng 1kg. Loài bò sát hiền lành này mang lại lợi nhuận khủng cho anh với giá bán dao động từ từ 500.000 tới 800.000 đồng/kg. “Tôi chưa bao giờ có đủ hàng để bán. Thương lái ở khắp nơi gọi điện mua suốt ngày”, anh Tĩnh chia sẻ.
Một người bạn nuôi rắn của anh Quách Tĩnh cho biết: Rắn nước dễ nuôi, sau 2 năm, có thể đạt trọng lượng 1kg.
Sau nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh Tĩnh mới đưa ra được mô hình chuẩn để nuôi rắn. Rắn nước chỉ ăn cá nhỏ và tép, nhưng con mồi của chúng luôn luôn phải còn tươi sống. Nếu con mồi đã chết, chúng không ăn. Rắn nước luôn thích tự mình bắt con mồi.
Theo tính toán của anh Tĩnh, thường một con rắn ăn hết 5kg cá, tép sẽ đạt trọng lượng 1kg thịt (khoảng 2 năm). Nếu có đủ thức ăn, rắn sẽ tăng trọng nhanh hơn. Rắn nước 1 năm đẻ 2 lứa (đẻ con), mỗi lứa từ 6-21 con (tùy theo thể trọng của con mẹ). Loài này thích sống ở chân ruộng trũng, ao có bèo tây. Nó không thể sống ở trong bể hoặc đáy ao đổ bê tông. Mỗi m2 nuôi được từ 5-10 con. Nếu nuôi rắn sinh sản, cứ 4 con rắn cái cần nuôi 1 con rắn đực.
Trại rắn của anh Tĩnh nằm giữa đồng. Xung quanh trại được xây tường bao và hàng rào bằng lưới.
“Ao nuôi rắn luôn phải duy trì mực nước khoảng 1m và đáy phải có bùn. Bờ xung quanh ao cần kè cứng và tạo hàng rào bằng lưới cao khoảng 2m, phòng rắn đi mất”, anh Tĩnh chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi rắn mòng của mình.
Gia cố hàng rào đề phòng rắn thoát ra ngoài.
Theo anh Tĩnh, ao nuôi rắn nước phải hoàn toàn tự nhiên, có thả bèo tây để tạo môi trường sinh sống cho rắn.
Một lưu ý nữa khi nuôi rắn nước là không để cá rô sống trong ao. Rắn ăn cá rô to thường bị hóc và bị nhiễm trùng. Anh Tĩnh cho biết: "Loài rắn này thường lột xác, do vậy, trong ao nuôi rắn cần nuôi thêm cá chép và cá trê đồng để chúng dọn ao".
Ngoài ra, anh Tĩnh cũng chia sẻ kinh nghiệm, rắn nước thường mắc bệnh... ghẻ, nên ao nuôi rắn yêu cầu nước luôn sạch sẽ, thi thoảng người nuôi cần hòa nước muối loãng đổ xuống ao.
Clip: Anh Quách Tĩnh lội xuống áo bắt rắn như bắt... gà
Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn kỹ thuật, xin vui lòng liên hệ với anh Phạm Quách Tĩnh theo số điện thoại: 0912.292.638. Anh Tĩnh sẵn sàng tư vấn kỹ thuật cho ai có nhu cầu muốn và yêu thích nghề nuôi rắn.
Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/ran-mong-nuoc-a41588.html