Thưa ông, tỉ lệ giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay đang ở mức chênh lệch như nào? Tỉ lệ này giữa các vùng miền trên cả nước có khác nhau nhiều không và ngành dân số đặt ra mục tiêu giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tân: Tỉ lệ giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay ở mức xấp xỉ 114 bé trai/100 bé gái, tuy nhiên có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Nơi có tỉ lệ giới tính khi sinh cao nhất cả nước là khu vực đồng bằng sông Hồng, bao gồm Hà Nội và các tỉnh có bán kính 100 km xung quanh Hà Nội. Khu vực này, tỉ lệ giới tính khi sinh ở mức 120 bé trai/100 bé gái. Khu vực miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng bắt đầu xảy ra tình trạng này.
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên, tỉ lệ này thấp hơn, thậm chí có thành phố lớn gần 10 triệu dân như TPHCM cũng chỉ ở mức 106 bé trai/100 bé gái.
Mục tiêu của ngành dân số đặt ra là đến năm 2020, nỗ lực cố gắng kìm giữ tốc độ gia tăng để tỉ lệ này trên cả nước không vượt quá 115 bé trai/100 bé gái. Nếu đạt được mục tiêu này thì chúng ta mới giảm được tỉ lệ giới tính khi sinh cho các giai đoạn tiếp theo. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đặt mục tiêu tỉ lệ giới tính khi sinh vào năm 2030 đạt dưới 109 bé trai/100 bé gái.
Tuy nhiên, nếu không kìm giữ hoặc giảm được tỉ lệ này thì chỉ đến năm 2020, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3- 4,3 triệu phụ nữ hay nói cách khác là 2,3-4,3 triệu đàn ông Việt sẽ có nguy cơ khó lấy được vợ.
Như ông vừa đề cập, chúng ta phải nỗ lực kìm giữ tốc độ gia tăng tỉ lệ giới tính khi sinh đến năm 2020 là 115 bé trai/100 bé gái. Vậy, ngành dân số có giải pháp trọng tâm nào để đạt mục tiêu này?
Ông Nguyễn Văn Tân: Giải pháp trước tiên và cũng là giải pháp lâu dài và quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông. Vì làm công tác truyền thông không chỉ làm trong ngày một ngày hai mà phải làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi quan niệm, suy nghĩ và hành vi của người khác.
Nói cách khác là để mọi người thấy những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là hệ lụy liên quan trực tiếp đến từng đối tượng, từng gia đình.
Nếu hôm nay anh chọn sinh bằng được con trai, thì rất nhiều khả năng sau này con trai anh sẽ không lấy được vợ.
Thứ hai là quy định cụ thể hơn những hành vi liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh, liên quan đến ứng xử không bình đẳng giới trong cuộc sống, miệt thị, chê trách những người không sinh được con trai… để tăng cường xử lý các vi phạm. Từ đó, tạo ra dư luận chung trong xã hội ủng hộ bình đẳng giới, ủng hộ nâng cao vị thế vai trò của phụ nữ trong cuộc sống.
Thứ ba là phải thúc đẩy hơn nữa các chương trình phát triển tiến bộ của phụ nữ. Hiện nay, tỉ lệ cán bộ nữ dường như đang giảm, trước đây trong Quốc hội, đại biểu là nữ chiếm 30% nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 26%.
Thưa ông, trong đầu năm mới, mọi người thường chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, trong đó có lời chúc các gia đình là sớm sinh được “quý tử”. Là người gắn bó thời gian dài với công tác dân số, ông có nhận định gì về quan niệm này?
Ông Nguyễn Văn Tân: Đây là thói quen mang tính văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam nhưng đến nay chúng ta nên xóa bỏ.
Ví dụ như đất nước Hàn Quốc - rất gần với chúng ta, trước đây, họ cũng chúc nhau sinh được con trai, nhưng hiện giờ họ không còn chúc như vậy nữa, thậm chí số lượng người thích sinh con gái còn đông hơn số người thích sinh con trai. Tôi nghĩ đó là một trong những chỉ số xác định sự tiến bộ của đất nước họ.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Hàn Quốc trước đây cũng giống nước ta hiện nay, nhưng họ đã khắc phục được nhiều và tỉ lệ giới tính khi sinh ở nước này hiện còn khoảng 107 bé trai/100 bé gái.
Nhân dịp đầu năm mới 2018, ông muốn gửi thông điệp gì tới các gia đình Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Tân: Nhân dịp năm mới, tôi chúc các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ sinh đủ 2 con, dù gái hay trai, để nuôi dạy cho tốt, có cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hà (thực hiện)
Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/som-sinh-quy-tu-la-gi-a41450.html