Để đọc bài viết này, trước tiên, bạn hãy dành chút thời gian Google chữ “đất nước Georgia”. Và tôi hy vọng bạn đã biết Georgia chính là Gruzia, quốc gia nằm nối giữa châu Âu và châu Á, với thủ đô là Tbilisi
Tbilisi có gì đặc biệt? Tôi chỉ biết đại thi hào Alexander Pushkin đã mô tả Tbilisi là “Vùng đất tuyệt vời”. Thơ Pushkin thì ai cũng đã từng nghe qua vậy nên ta cứ nên tin tưởng đại thi hào và lên đường thôi.
Khu phố cổ của Abanotubani, nơi có các bồn tắm lưu huỳnh nằm dưới chân pháo đài Narukala
THÀNH PHỐ GIAO THOA VĂN HÓA Khi bước qua biên giới để đặt chân vào Georgia, trái tim tôi bỗng đập rộn ràng. Dù đã đi qua nhiều vùng đất nhưng tôi vẫn mong chờ vào chuyến đi đến vùng đất đặc biệt này. Trên bản đồ du lịch, cái tên Georgia vẫn còn lạ lẫm đối với cả dân châu Âu chứ chưa nói gì đến người châu Á. Bản thân tôi khi nghe đến quốc gia này phải dành thời gian ngồi tra cứu chứ không mảy may có thông tin nào trong đầu.
Nằm tại điểm nối Đông Âu và Tây Á, Georgia có nền văn hóa pha trộn đặc sắc và Tbilisi thể hiện điều này rõ hơn bất cứ đâu. Món quà đầu tiên mà Tbilisi dành cho tôi là sự ngạc nhiên. Lịch sử đa dạng của Tbilisi được thể hiện rõ nét qua các công trình kiến trúc. Trên cùng một con phố có thể nhìn thấy đủ các phong cách thiết kế từ Trung Cổ, Tân cổ điển, Trung Đông, Art Nouveau, Nga và cả hiện đại. Tất cả đều ngay hàng thẳng lối và nằm xen kẽ một cách hòa hợp. Dù nhiều tòa nhà đã xuống cấp nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của thời gian.
Nổi tiếng nhất là đại lộ Rustaveli, nơi tập trung các cửa hàng, quán cà phê hiện đại, kiến trúc mặt tiền sang trọng. Như mọi đại lộ theo phong cách châu Âu, ấn tượng chính của quảng trường, dinh thự, tượng đài và nhiều thứ ở Rustaveli là đẹp và ngăn nắp.
Từ đại lộ, có thể rẽ vào các ngõ nhỏ, chỉ cần vài bước chân là một khung cảnh khác được mở ra. Phố nhỏ với những con đường xinh xắn, được trang trí bằng những bồn hoa nhỏ. Bên ngôi nhà gỗ buông rèm lụa, ban công trang trí màu sắc là mấy cụ bà choàng khăn đang ngồi tám chuyện.
Toàn cảnh thành phố Tbilisi nhìn trên cao với cầu đi bộ Thủy Tinh bắc qua sông Kuva và Nhà hát - công viên Rhice có kiến trúc đặc biệt
ẨM THỰC NHƯ MỘT BÀI THƠ Một trong những thú vui khi đến Tbilisi là đi dạo chợ phiên. Đây là dịp mua đồ thủ công truyền thống và thưởng thức đồ ăn. Thức ăn trong Dezerter Bazaar (chợ nông sản ngay trung tâm thủ đô) khiến những kẻ sợ mập như tôi cũng đành tặc lưỡi phó thác cho số phận. Phô mai trắng trộn bạc hà xanh nhìn như đá cẩm thạch, bánh mì vàng ươm thơm nức mũi chỉ muốn ăn hết.
Nhà thơ Nga Pushkin từng mô tả mỗi món ăn của Georgia đều là một bài thơ. Ẩm thực xứ này nổi tiếng khắp vùng biển Đen không chỉ vì ngon mà còn đẹp. Nổi tiếng nhất là khachapuri adjaruli, món ăn truyền thống của Gruzia được làm từ bánh mì lên men, ở giữa bánh được cho thêm phô-mai và trứng thơm nức mũi. Kể cả bạn không phải là tín đồ của ẩm thực phương Tây thì vẫn bị món ăn này mê hoặc. Khi đặt chân đến Georgia, thấy trên phố nào cũng có xe bán xúc xích đủ màu, giờ mới biết đó chính là các loại hạt xâu thành chuỗi rồi phủ nước cốt trái cây keo đặc lên gọi là churchkhela. Khi ăn vị ngọt, thơm và chua nhè nhẹ của trái cây hòa vào vị bùi của các loại hạt thật khó cưỡng.
Georgia là quốc gia xuất khẩu trái cây nổi tiếng vậy nên hầu như con phố nào cũng có hàng bán trái cây và các loại bánh mứt chế biến từ trái cây. Dù không phải là người thích đồ ngọt nhưng tôi vẫn phải rút hầu bao ra mua vài gói kẹo tklapi, loại kẹo trái cây cô đặc rồi cán mỏng như lụa rồi đem phơi khô nhìn xa như những chiếc khăn lụa đủ màu.
Người Georgia có vẻ khá kỹ tính trong việc chế biến thực phẩm, thế nên churchkhela hay tklapi đều không có hóa chất mà vẫn đẹp mắt và thơm ngon. Người Georgia sở hữu kỹ thuật chế biến bánh kẹo thủ công đã có lịch sử hơn ngàn năm vẫn còn được lưu truyền đến bây giờ. Đặc biệt là kỹ thuật làm rượu vang, rượu trái cây cũng là “tài sản quốc gia” của đất nước.
Công thức làm kẹo churchkhela vùng Kakheti đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của Georgia
VIÊN NGỌC TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA Nằm ở vị trí quan trọng trên con đường tơ lụa, Tbilisi từng có giai đoạn cực kỳ thịnh vượng vào thế kỷ 11 và 12. Từ lúc mới hình thành, thành phố đã là nơi ở của thương gia, thợ thủ công đến từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Lịch sử pha trộn đó còn thể hiện rõ trên những kiến trúc vẫn còn đến tận ngày nay.
Đỉnh cao của sự kết hợp mỹ thuật Đông Tây tại Tbilisi phải nói đến đại giáo đường Sameba. Công trình này khiến bất cứ ai cũng phải choáng ngợp, không chỉ vì quy mô mà còn vì kiến trúc độc đáo. Sự kết hợp khéo léo kiểu mái vòm cổ điển với phong cách kiến trúc La Mã nguyên thủy đã hình thành nên phong cách vòm chéo Georgia. Đứng từ quảng trường cẩm thạch nhìn lên, Sameba như một tòa thành vĩ đại. Thế nhưng dù choáng ngợp nhưng lại mang cho những kẻ lữ hành cảm giác dễ chịu như nhiệm vụ của công trình này đối với các con chiên.
Cách Sameba không xa là khu nhà tắm hơi cổ xưa. Đây là một công trình xây dựng mang đậm phong cách hoàng gia Ba Tư. Tận dụng dòng suối khoáng nóng tự nhiên ngay giữa trung tâm kinh đô, giới quý tộc Tbilisi ngày xưa đã xây dựng một khu tắm hơi chữa bệnh, thư giãn vương giả với vật liệu phần lớn là đá cẩm thạch.
Trong khi đó pháo đài Narikala trên núi đá lại mang đến vẻ đồ sộ, kiên cố của một kiến trúc quân sự. Thấp hơn pháo đài là ngôi làng cheo leo giữa sườn núi. Làng gồm toàn những ngôi nhà vây quanh một nhà thờ gạch nung. Nhìn xa, làng xinh xắn như bộ đồ chơi. Đến gần mới thấy từng ngôi nhà đều có cách trang trí mặt tiền, khung cửa và hành lang khác nhau nhưng rất trang nhã.
Đại lộ Rustaveli được đặt theo tên nhà thơ Shota Rustaveli với chiều dài 1.5km là nơi có hàng chục công trình kiến trúc quan trọng của Tbilisi
NGẮM TBILISI TỪ METEKHI Chọn một hôm chiều nắng đẹp, chúng tôi lên cao nguyên Metekhi để tham quan nhà thờ Metekhi, một di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ sở hữu lối kiến trúc mái vòm chữ thập phổ biến từ thời Trung Cổ mang dáng dấp mạnh mẽ và không trang trí quá cầu kỳ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhà thờ vẫn đứng hiên ngang chống chọi với thời gian.
Từ trên cao, đại giáo đường Sameba hiện lên như một viên ngọc lấp lánh. Ngoài đại giáo đường Sameba, Tbilisi có nhiều nhà thờ bằng đá với tuổi đời cả ngàn năm khác. Trong ánh chiều chạng vạng những công trình này hiện lên mang nét huyền bí lẫn kiêu hãnh. Trên các ngọn đồi trọc bao quanh thành phố, những tháp canh bằng đá đứng cô độc vừa là nơi ở, vừa là hệ thống phòng thủ của người thời xưa. Giờ là niềm tự hào của kiến trúc Georgia. Phóng tầm mắt ra xa hết mức, còn thấy được thấp thoáng thánh đường Do Thái và Hồi giáo của nước Armenia phía bên kia biên giới.
Khi ánh nắng tắt, chúng tôi xuống cầu đi bộ Thủy Tinh và nhà hát - công viên Rhike, hai công trình tiêu biểu cho kiến trúc hiện đại Tbilisi. Cầu đi bộ bắc ngang con sông Kura được làm hoàn toàn từ thép và thủy tinh hiện lên như một chiếc trâm cài bằng ngọc lục bảo trong đêm tối. Còn nhà hát Rhike nằm trong công viên rộng lớn thì sở hữu hình dáng kiến trúc độc đáo như hai đường ống khổng lồ với rất nhiều hoạt động thú vị bên trong.
Nếu là một người đam mê những vùng đất lạ, những nền văn hóa vẫn còn nhiều bí ẩn thì hành trình đến Georgia chắc chắn sẽ là một lựa chọn sáng suốt. Đất nước của vùng núi Caucasus với thủ đô Tbilisi xinh đẹp, nơi được đại thi hào Puskhin ca ngợi hết lời chắc sẽ không làm bạn thất vọng.
Nhà thờ Chúa ba ngôi Gergeti nằm ở độ cao 2.170m dưới núi Kazbegi được xây từ thế kỷ 14 với cảnh quan tuyệt đẹp
Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/nuoc-georgia-a40155.html