“Chúng ta có thể tạo ra nhiều phước, nhưng phước ở Tam Bảo mới là phước điền tối thượng”. - Phật tử Phạm Thị Yến.
Trên bước đường tu học Phật Pháp, có lẽ người Phật tử nào cũng biết đến việc cúng dường Tam Bảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa và lợi ích của việc làm này. Nên trong chương trình chia sẻ Phật Pháp với CLB Cúc Vàng, Cô Phạm Thị Yến đã có những chia sẻ về vấn đề cúng dường Tam Bảo đến cho mọi người cùng hiểu rõ.
“Cúng dường” có nghĩa là cung cấp, nuôi dưỡng. “Tam Bảo” là danh từ Hán Việt, “Tam” là ba; “Bảo” là quý báu, gồm có Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Hiểu một cách đơn giản “Cúng dường Tam Bảo’’ là cung cấp, nuôi dưỡng ba ngôi quý báu: Phật, Pháp, Tăng - Tam Bảo.
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Cúng dường Phật Bảo hiểu đơn giản là chúng ta có thể cúng dường để tô tượng Phật, cho mọi người đến lễ lạy”.
Tuy nhiên, Cô cũng chia sẻ đó chưa phải là chân thật cúng dường Phật Bảo một cách rốt ráo nhất. Phật trong tiếng Phạn là Buddha, có nghĩa là bậc Giác Ngộ. Đức Phật Thích Ca là người đã giác ngộ giải thoát, Ngài đã chứng ngộ được chân lý của cuộc đời, thoát khỏi mọi đau khổ, phiền não của thế gian. Tuy nhiên, giờ đây Ngài đã nhập Niết bàn, chỉ còn tôn tượng của Ngài để chúng ta tỏ lòng tôn kính. Nhiều người cho rằng, tượng Phật được làm bằng đồng, bằng gỗ, bằng xi măng,... thì không thể nào giác ngộ; và như vậy không được gọi là Phật Bảo.
Về vấn đề này, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Chúng ta phải hiểu sâu một chút. Chúng ta cúng dường vào chùa dù chỉ để tô tượng, nhưng tâm chúng ta hướng tới Phật, hướng về sự giác ngộ, sẽ làm cho Phật Bảo ở trong chúng ta hướng tới tính giác ngộ của mình. Vì thấy Đức Phật là bậc cao quý, chúng ta muốn được như Phật nên chúng ta làm tăng trưởng tính giác của mình lên. Tuy rằng, mỗi chúng ta đều có tính giác ngộ nhưng vì vô minh, tham dục che lấp, cho nên bây giờ chúng ta phải làm tăng trưởng tính giác ngộ để giảm đi vô minh và tham dục. Như thế gọi là “khai ngộ”, tức là khai mở ra tính giác ngộ của mình”.
Như vậy, tuy rằng Đức Phật đã nhập diệt, giờ đây chúng ta chỉ lễ Phật, cúng dường tôn tượng Phật nhưng đó là hành động thể hiện sự hướng tâm về Ngài và thể hiện lòng quý kính Ngài đã thành đạo. Cúng dường vào chùa để tô tượng cũng là mong muốn những người đến chùa khởi được tâm biết ơn Đức Phật và gieo cho họ nhân duyên hướng tâm tới sự giác ngộ, khai mở tính giác ngộ của mình. Được như vậy, chúng ta đã cúng dường, nuôi dưỡng sự duy trì của Đức Phật ở thế gian.
Đức Phật Thích Ca ra đời cách đây đã hơn 2600 năm, Ngài sinh ra là con vua, lớn lên xuất gia tu hành và chứng quả vị Phật. Với trí tuệ của bậc Thế Gian Giải, rõ biết mọi sự thế gian, Ngài đã rao giảng chân lý đến với chúng sinh. Những lời dạy đó được gọi là Pháp, hay còn gọi là Pháp Bảo. Đó là những lời dạy quý báu để giúp chúng sinh biết sống thiện, tu sửa tâm mình; từ đó xa lìa đau khổ, đạt được giác ngộ giải thoát, an vui vĩnh viễn. Để quý đạo hữu hiểu về cúng dường Pháp Bảo, Cô chủ nhiệm chia sẻ: “Cúng dường Pháp Bảo là chúng ta cúng dường vào chùa để ấn tống kinh sách của Phật hoặc kinh sách của Phật trên các dạng như: video, những lời đọc radio,... tức là sử dụng truyền thông. Vì thế, cúng dường vào chùa để sắm sửa các thiết bị truyền thông, làm cho kinh của Phật được lan truyền, đó cũng là cúng dường để nuôi dưỡng, duy trì Pháp Bảo. Và phần nữa là chúng ta cúng dường vào chùa để mọi người đến chùa được ăn uống, nghe lời Phật dạy, giúp lời Phật dạy được chuyển tải từ kinh sách sang chính con người, cũng là cung cấp, nuôi dưỡng Pháp Bảo”.
Như vậy, việc cúng dường Pháp Bảo là làm cho những lời dạy tối thượng của Đức Thế Tôn được duy trì ở thế gian giúp nhiều người biết đến chính Pháp, nghe và thực hành lời Phật dạy.
Tăng là đoàn thể những người đệ tử xuất gia theo Phật, giữ gìn giới Pháp, tu tập theo lời Phật dạy và hoằng truyền giáo Pháp đến với chúng sinh. Vậy cúng dường Tăng Bảo là gì? Để giải thích điều này, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Cung cấp, nuôi dưỡng Tăng Bảo là chúng ta cung cấp cho các vị Sư có tứ sự đầy đủ thực hành lời Phật dạy; rồi mang lời Phật dạy giảng giải, sách tấn cho chúng ta, để chúng ta được thực hành. Đó gọi là cúng dường Tăng Bảo”.
Cô chủ nhiệm từng chia sẻ: “Chúng ta có thể tạo ra nhiều phước, nhưng phước ở Tam Bảo mới là phước điền tối thượng”. Để quý đạo hữu hiểu được ý nghĩa của việc cúng dường Tam Bảo, Cô cũng chia sẻ ba lý do khiến việc làm này được phước báu thù thắng như sau:
Trong bài kệ tán thán Phật, chúng ta được nghe: "Đấng Pháp Vương vô thượng Ba cõi chẳng ai bằng Thầy dạy khắp trời người Cha lành chung bốn loài".
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Vì chúng ta cung cấp, nuôi dưỡng tính giác ngộ của mình và cung cấp, nuôi dưỡng, khởi duyên cho những người đến chùa lễ tượng Phật một lễ, giúp cho người ta hướng tâm đến giác ngộ thì phước báo của chúng ta phải lớn”.
Theo quan điểm của đạo Phật, tất cả chúng sinh đều có chủng tử giác ngộ ở trong mình, hay còn gọi là tính Phật. Do đó, việc chúng ta cúng dường để khởi duyên, giúp cho người đến chùa hướng tâm đến sự giác ngộ, khơi dậy được tính giác ngộ trong họ thì phước báu rất thù thắng.
Trong bài kệ tán Pháp, chúng ta cũng được nghe: “Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn, Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp. Nay con nghe thấy vâng gìn giữ, Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn”.
Sau thời gian thực hành Pháp của Phật và có những lợi ích từ việc tu tập, Cô Phạm Thị Yến có những lời chia sẻ rất hữu ích về việc cúng dường Pháp bảo: “Chúng ta cung cấp, nuôi dưỡng Pháp Bảo, khiến cho những lời Phật dạy được chuyển tải rộng khắp đến mọi người thì phước báu rất lớn. Bởi vì Pháp của Phật rất quý, dạy con người bỏ ác làm lành, làm lợi ích cho số đông và mang lại hạnh phúc, an vui cho thế gian này. Người ta nghe được lời Phật dạy sẽ làm các việc thiện, bỏ các việc ác, từ đó thế gian sẽ được hạnh phúc. Cho nên, chúng ta cung cấp, nuôi dưỡng những lời dạy thiện lành đó sẽ được phước báu lớn”.
Trong kinh Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh, Đức Thế Tôn có dạy: “...Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”.
Từ lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết rằng, giáo Pháp của Ngài rất cao quý, được ví như “kim ngôn ngọc ngữ”, có thể giúp chúng sinh ra khỏi sinh tử luân hồi. Do đó, việc cúng dường để Pháp Bảo được lan truyền rộng rãi sẽ giúp chúng ta tích lũy được phước báu rất lớn.
Trong kinh Tam Bảo, Đức Phật có dạy: “Đệ tử đấng Thiện Thệ Xứng đáng được cúng dường Bố thí các vị ấy Được kết quả vô lượng Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chân hạnh phúc”.
Để đại chúng hiểu hơn về phước báu cúng dường chư Tăng, Cô chủ nhiệm cũng chia sẻ: “Chư Tăng là người duy trì được Phật Pháp, duy trì được lời Phật dạy và làm cho chúng sinh tin rằng giáo Pháp của Phật đưa đến hạnh phúc, an vui, cho nên cúng dường, nuôi dưỡng các vị Tăng chân thật tu hành mang đến phước báo lớn”.
Giáo Pháp của Phật cao quý là thế nhưng nếu không có người ứng dụng, thực hành thì vẫn chỉ là lý thuyết suông và không có lợi ích. Cho nên, chư Tăng là những người xuất gia theo Phật, thực hành những lời Phật dạy, khiến cho Phật Pháp được trường tồn ở thế gian. Bởi vậy, cúng dường chư Tăng, để chư Tăng được an ổn tu hành thì sinh ra phước báu rất lớn. Mặt khác, xuất gia không phải là việc dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Bởi người xuất gia phải rời khỏi sự ràng buộc của đời sống gia đình; xả bỏ danh lợi, cám dỗ của dục lạc; một lòng cầu đạo giải thoát để mang lại lợi ích cho mình, cho người và cho vô số chúng sinh.
Nếu Phật tử tại gia chỉ cần giữ 5 giới thì khi đi xuất gia, Sa di đã phải thọ 10 giới, Tỳ-kheo Tăng thọ 250 giới, Tỳ-kheo Ni thọ 348 giới. Do đó, những người xuất gia với chí nguyện rộng lớn “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh” là vô cùng cao quý.
Từ những lời Cô chủ nhiệm chia sẻ, chúng ta thấy rằng Tam Bảo có công đức vô cùng to lớn, là ruộng phước màu mỡ cho mọi loài được gieo trồng các hạt giống thiện lành. Cô cũng chia sẻ thêm: “Tam Bảo còn ở thế gian khiến cho chúng sinh biết quay trở về tự tính giác ngộ, quay trở về tính thiện và bỏ đi tính ác, làm cho thế gian được hạnh phúc, an vui. Cho nên, công đức của Tam Bảo rất lớn, khiến cho thế gian này được an vui, hạnh phúc; làm cho thế gian này bớt khổ đau và làm cho chúng sinh bớt khổ, hết khổ. Đó chính là công đức của Tam Bảo”.
Trong tạng Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trung Bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Đức Phật dạy: “...có người đàn bà hay đàn ông có bố thí và cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa… Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sanh vào loài người, người ấy được giàu sang, có tài sản lớn”.Để quý đạo hữu hiểu thêm, Cô Phạm Thị Yến lý giải: “Ai có tâm thường nghĩ đến điều thiện, muốn điều thiện lưu mãi ở thế gian này thì sẽ cúng dường Tam Bảo, để các Thầy nuôi mạng sống của mình, đem lời Phật dạy giáo hóa cho chúng sinh, để chúng sinh bỏ ác làm lành. Người như vậy sau khi thân hoại mạng chung sinh vào cõi thiện là cõi người hay cõi Trời để hưởng phúc báo”.
Trong kinh Tạp Bảo Tạng, bài kinh “Chuyện con của trưởng giả làm thuê thiết hội được hiện báo” cũng kể về câu chuyện: Khi Đức Phật còn tại thế, tại thành Xá Vệ có một chàng trai sống cô đơn nghèo khổ, cha mẹ mất sớm, phải lang thang sống bằng nghề làm thuê. Tình cờ, chàng trai nghe được rằng, cuộc sống trên cõi Trời Đao Lợi vô cùng sung sướng, nếu cúng dường cho Đức Phật và chúng Tăng thì sẽ được sinh lên đó. Chàng trai xin làm thuê cho vị trưởng giả trong ba năm để có thể thiết hội cúng dường. Sau ba năm, khi đã tích lũy đủ số tiền, cùng với sự trợ duyên của vị trưởng giả, chàng trai đã thực hiện được ước nguyện. Tuy nhiên, hôm đó trùng vào ngày Tiết Nhật nên rất nhiều người chuẩn bị đồ ăn, thức uống dâng lên cúng dường. Khi chư Tăng đến chỗ chàng trai, bởi vì đã khất thực rồi nên các Ngài chỉ thọ nhận rất ít vật thực mà anh đã chuẩn bị. Chàng trai rất buồn, nghĩ rằng mong muốn sinh lên cõi Trời sẽ không thành tựu. Buồn quá, chàng trai đến bạch với Đức Thế Tôn. Ngài dạy chàng trai rằng: “Giả sử chúng Tăng không ăn gì cả, thì nguyện của ngươi cũng thành tựu, huống chi có thọ thực chút ít mà sao lại không thành?”.
Nghe Đức Phật xác quyết như vậy, chàng trai hết sức hoan hỷ, không còn buồn khổ. Cũng trong ngày hôm đó, có 500 vị khách buôn vào thành kiếm đồ ăn, vì đồ ăn còn thừa nhiều, chàng trai hoan hỷ mời họ chỗ đồ ăn đó. Sau khi ăn xong, những vị khách buôn tặng rất nhiều món đồ giá trị cho chàng trai. Chàng sợ hãi không dám nhận, liền đến bạch Phật. Ngài dạy: “Đó là quả báo tạm thời, hãy nhận đi sẽ hết khổ, về sau chắc chắn sẽ sinh lên trời, đừng nên sợ hãi”... Vị trưởng giả chủ nhân vì không có con trai và nhận thấy chàng trai tính vốn thật thà, ngay thẳng nên ông đã gả đứa con gái duy nhất cho chàng trai. Nhờ vậy, gia nghiệp của chàng trở nên giàu có vô cùng. Sau đó, trong thành có một ông trưởng giả giàu có bậc nhất qua đời, Vua Ba-tư-nặc nghe chàng trai thông minh, trí thức nên đã tặng hết khối tài sản đó cho chàng trai.
Từ những câu chuyện trong kinh Phật và qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta thấy rằng, cúng dường Tam Bảo sẽ sinh ra phước báu rất lớn cho chúng ta trong đời này và các kiếp về sau. Hy vọng với những chia sẻ của Cô, quý Phật tử và bạn đọc sẽ có thêm những tri kiến trong việc tìm hiểu và tu học giáo Pháp của Phật. Mong rằng, những hạt giống thiện tâm của mỗi người sẽ được gieo trồng trên những thửa ruộng phước màu mỡ nhất và gặt hái được những quả vị tốt đẹp cho bản thân!
Các bài nên xem:
Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/cung-vuon-hay-cung-duong-a38611.html