Năm 2021, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thế giới với địa đạo Củ Chi.
Động thái này được kỳ vọng sẽ nâng tầm giá trị của Di tích Địa đạo Củ Chi cũng như mang lại động lực lớn để phát triển du lịch và kinh tế-xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép,” một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Kiến trúc địa đạo mang tính kế thừa và có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là về mặt nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, với những sáng tạo kiệt xuất, đã phát triển đến đỉnh cao trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, mà cả thế giới phải ghi nhận.
Hiện nay, tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Với giá trị tiêu biểu trên, di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015).
Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó.
Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng.
Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966, trước những hành động của quân xâm lược Mỹ sau khi vào miền Nam tham chiến.
Với sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200km xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất, tựa như “thiên la địa võng”, khiến kẻ thù phải khiếp sợ…
Suốt một thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc liệt, bằng những thủ đoạn như: Bơm nước vào lòng địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” đánh phá, dùng chó bécgiê săn lùng phát hiện địa đạo để phá, dùng xe cơ giới ủi phá…
Mỹ-Nguỵ đã thực hiện 5.000 cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ cách mạng Củ Chi. Trung bình, mỗi năm có khoảng 330 trận càn, với đủ sắc lính, các cấp hành quân, loại hình chiến thuật.
Tính từ 1954- 1975, số lượng bom đạn Mỹ trút xuống Củ Chi khoảng 500.000 tấn (trung bình mỗi người dân ở đây phải hứng chịu khoảng 1,5 tấn bom).
Ngoài ra, có khoảng 480 tấn chất độc hóa học các loại đã được quân địch rải xuống vùng đất này. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh,” thực hiện lối đánh áp sát với những chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa được nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân huyện Củ Chi đã lập được những chiến công xuất sắc: dánh 4.269 trận lớn, nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu 22.582 tên địch (bắt sống hơn 10.000 tên lính Mỹ, 710 lính Ngụy); binh vận làm rã ngũ 32.000 tên; phá hủy và đánh chiếm hơn 5.168 xe quân sự (phần lớn là xe tăng và xe bọc thép); bắn rơi và làm hư hỏng 256 máy bay (chủ yếu là trực thăng); bắn chìm và cháy 22 tàu, xuồng chiến đấu; đánh sập và hỏng 173 cầu cống, thu 8.581 súng các loại; bức hàng, bức rút, đánh sập 270 lượt đồn bốt địch…
Với những chiến công vang dội đó, toàn huyện Củ Chi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Tuy nhiên, trong hai cuộc chiến trường kỳ đó, Củ Chi cũng chịu nhiều tổn thất: 10.101 dân thường bị chết; trên 10.000 chiến sỹ, thanh niên đã hy sinh, 28.421 nhà bị cháy, 20.000ha ruộng, rẫy và rừng bị tàn phá…
Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi gồm Địa đạo Bến Dược (Căn cứ Quân khu Sài Gòn-Gia Định (Khu A), Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định (Khu B) và Địa đạo Bến Đình (Căn cứ Huyện ủy Củ Chi).
Về cơ bản, hệ thống địa đạo trong di tích chạy ngoắt nghéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh, ăn thông với nhau, hoặc độc lập, tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ rộng ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).
Hệ thống đường hầm có khả năng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn hầm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn cấu trúc từ 2 đến 3 tầng (tầng trên gọi là “thượng,” tầng dưới gọi là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng có nắp hầm bí mật.
Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp (eo), phải lách người mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên, được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Nhiều cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ bắn tỉa rất linh hoạt. Dưới những khúc địa đạo ở khu hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy…
Xung quanh cửa lên xuống hầm được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái (gọi là tử địa), có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu đạn chống máy bay trực thăng, nhằm tiêu diệt, ngăn chặn quân địch tới gần.
Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng có thể mắc võng để nghỉ ngơi. Trong hầm có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, có giếng nước, bếp “Hoàng Cầm,” hầm làm việc của lãnh đạo, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, biểu diễn văn nghệ…
Trên cơ sở khoanh vùng bảo vệ, hiện trạng của khu di tích được xác định như sau:
Khu vực bảo vệ 1: gồm một phần hệ thống đường hầm và một số công trình phục dựng, tôn tạo, đó là:
- Căn cứ Quân khu Sài Gòn-Gia Định (Khu A), có tổng diện tích 66.586,4m2, gồm các địa đạo, cụm công trình chính, như: hội trường, hầm chông, hầm họp của Chính ủy và Bộ Tư lệnh, hầm làm việc, hầm nghỉ của Phó Chính ủy; hầm làm việc và Tư lệnh, Phó Tư lệnh; hầm chữ A; hầm của Thư ký; giếng nước; ụ chiến đấu; ổ chiến đấu và các nắp hầm; lỗ thông hơi; hầm Quân y; hầm giải phẫu; hầm bếp Hoàng Cầm và nhà ăn; hầm may quân trang; hầm Công binh xưởng; phòng trưng bày vũ khí tự tạo; hố bom; nhà trưng bày vũ khí tự tạo; khu nhà bán hàng lưu niệm; cụm nhà vệ sinh; trạm y tế.
- Cụm công trình gồm ụ thông hơi và hai miệng địa đạo - đoạn dẫn ra sông Sài Gòn, có tổng diện tích 667,9m2.
- Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (Khu B), có tổng diện tích 16.664,8m2, gồm hệ thống địa đạo và các cụm công trình khác, như: bếp Hoàng Cầm; hầm y tế; hầm chứa lương thực; hầm của văn thư; hầm của đội bảo vệ; hầm ở và làm việc của Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định; hầm họp của Ban Thường vụ Khu ủy; hố bom; hầm ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; hầm hội trường; hầm nước (phòng, chữa cháy).
- Địa đạo Bến Đình: tổng diện tích 67.086,2m2, gồm các địa đạo, cụm công trình: hội trường chiếu phim; hầm bí mật (nắp hầm); hầm chông; ụ chiến đấu cá nhân; chiến hào; lối lên xuống địa đạo (miệng tròn); khu tái hiện quan cảnh nghỉ ngơi của du kích; lỗ thông hơi (ụ mối); xe tăng M41; nhà trưng bày vũ khí tự tạo của du kích; xưởng công binh; nhà tái hiện làng nghề truyền thống (làm bánh tráng, nấu rượu, xây lúa gạo…); khu tái hiện quang cảnh đào địa đạo; miệng giếng thí; hầm may quân trang; nhà làm dép râu; hố bom B52; hầm bảo vệ; hầm ở và làm việc của Bí thư Huyện ủy; hầm hội trường; bếp Hoàng Cầm; hầm ăn; ụ chứa khói và lỗ thoát khói; lối lên xuống địa đạo; lỗ thông hơi; hầm y tế; hố bom B52.
Khu vực bảo vệ 2: gồm một phần diện tích bao quanh khu vực bảo vệ I của Khu A (diện tích khoảng 55.947,7m2), Khu B (9.530,2m2), Địa đạo Bến Đình (10.123m2) và các công trình xây dựng khác, gồm:
- Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược, có tổng diện tích 40.299,3m2, khởi công ngày 19/5/1993, khánh thành giai đoạn 1 ngày 19/12/1995, gồm hoa viên, nghi môn, nhà bia, đền thờ và một ngôi tháp. Tầng hầm của đền trưng bày các tác phẩm điêu khắc, đúc đồng, tranh vẽ, sa bàn, bảng chữ…, thể hiện những sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, với chủ đề “Sài Gòn-Gia Định kiên cường bất khuất” gồm 09 phân khu tương ứng với 09 chủ đề trưng bày.
- Khu tái hiện vùng giải phóng và Khu vực mô phỏng cảnh quan kiến trúc Biển Đông, Nhà trưng bày sa bàn Trận càn Cedar Falls, có tổng diện tích 197.633,5m2, gồm:
+ Khu tái hiện vùng giải phóng: Tái hiện các không gian, quan cảnh vùng giải phóng Củ Chi từ sau ngày Đồng Khởi năm 1961 đến năm 1974, gồm: cổng chào của một xã trong vùng giải phóng; cảnh đào địa đạo; trạm giao liên; nhà dân vùng giải phóng; tiệm sửa xe đạp; tiệm cắt tóc; nhà báo Bút-Xếp thăm vùng giải phóng Củ Chi; lớp học Thành đoàn; trường học trong vùng giải phóng; nhà trưng bày “Trận đánh Sở Đất Thịt”; nhà trưng bày “Trận đánh tại Ngã ba Cây Gõ”; chế tạo mìn từ trái bom pháo lép; nhà cửa, chùa chiền bị tàn phá nặng nề; khu tái hiện cuộc họp của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định; vùng trắng…
+ Khu vực mô phỏng cảnh quan kiến trúc Biển Đông và Nhà trưng bày sa bàn Trận càn Cedar Falls: Bao gồm các công trình mô phỏng cảnh quan Biển Đông, trong đó tái hiện hình ảnh đất nước Việt Nam nằm dài theo Biển Đông. Một số công trình mô phỏng chủ yếu, gồm 03 mô hình thu nhỏ biểu tượng văn hóa đặc trưng của ba miền Bắc-Trung-Nam (Chùa Một Cột, Ngọ Môn Huế, Bến Nhà Rồng), được khởi công ngày 24/5/2008, khánh thành ngày 19/12/2009,
- Đền thờ thuộc Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, diện tích 41.582,7m2,bao gồm hoa viên, một tam quan, một ngôi đền thờ chính, 02 ngôi đền thờ phụ (ở bên trái và bên phải của đền thờ chính) và một số công trình phụ trợ khác…
Ngoài các công trình thuộc khu vực bảo vệ 1 và khu vực bảo vệ 2, trong khuôn viên di tích còn có khu bắn súng thể thao, các văn phòng làm việc, khu vực khách sạn và nhà hàng, khu vực nhà để xe và một số công trình phụ trợ…
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là nơi các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ, Quân khu Sài Gòn-Gia Định sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Sài Gòn-Gia Định, trong đó, có nhiều đồng chí sau giải phóng đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Trung ương như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ… ; nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân Củ Chi sinh sống, trú ẩn, gắn bó với địa đạo bằng mồ hôi, xương máu và trí tuệ, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Phan An, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, trên thế giới, không đâu có một di tích độc đáo như địa đạo Củ Chi. Việc đề xuất công nhận di sản văn hóa thế giới không chỉ nhằm giới thiệu tới bạn bè thế giới mà còn là cơ hội để người dân Việt Nam có dịp nhìn lại, trân trọng hơn đối với di tích này.
Theo ông An, thực tế địa đạo Củ Chi trong nhiều năm qua vẫn chưa được đánh giá đúng về tầm quan trọng. Mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử rất lớn nhưng nhiều người sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí cũng chưa từng 1 lần đặt chân đến vùng đất thép thành đồng. Về tuyên truyền, truyền thông còn yếu dẫn đến sự quan tâm về bảo tồn, bảo vệ đối với di sản này còn nhiều hạn chế. Chỉ một phần rất nhỏ được bảo tồn phục vụ cho mục đích tham quan, du lịch.
Mặt khác, khả năng bị xâm hại từ tác động tự nhiên và con người của địa đạo là rất lớn. Do đó, nếu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, chính quyền địa phương và người dân sẽ có trách nhiệm, đồng thuận quan tâm bảo tồn toàn vẹn địa đạo, đồng thời đánh thức suy nghĩ của người Việt về những di sản như thế này./.
Link nội dung: https://nhungbaivanhay.edu.vn/mo-hinh-dia-dao-cu-chi-a38423.html