Mỗi hình xăm - một kỷ niệm
Trong những ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một cô gái đã tìm đến cửa hàng “Tattoonista” của anh chàng thợ xăm Nguyễn An với yêu cầu xăm dòng chữ “Con gái ăn cơm chưa con” lên cánh tay. “Hóa ra, đó là lời mà bố thường nói với bạn ấy. Và giờ ông đã mất, cô ấy muốn có một hình xăm để tưởng nhớ người bố thân yêu của mình. Thật sự mình đã lặng người xúc động”, An nhớ lại.
Sau mỗi hình xăm tiếng Việt là một câu chuyện, một ký ức, kỷ niệm
Cũng sau lần đó, An quyết định triển khai dự án “Xăm tiếng Việt đi”, kêu gọi mọi người xăm tiếng Việt và chia sẻ những câu chuyện đằng sau hình xăm. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, đây không phải lần đầu Nguyễn An xăm tiếng Việt, tuy nhiên, mỗi lần đặt bút khắc lên da thịt khách hàng một dòng chữ, anh vẫn luôn thấy bồi hồi, “có lẽ đó là điều thú vị nhất khi xăm bằng tiếng Việt, nó cho mình cảm giác rất gần gũi và được kết nối. Mình có thể thoải mái trò chuyện với khách hàng về ý nghĩa của câu chữ đó, nhờ thế, mọi việc diễn ra dễ dàng hơn”.
Đó là hình xăm “Còn đồ ăn không con gái?” của bạn trẻ Lê Thị Phương Dung, cô gái muốn lưu giữ tin nhắn mỗi ngày của mẹ, trong thời gian cô sống một mình tại TPHCM để chống dịch. “Hầu như ngày nào mẹ cũng nhắn tin hỏi mình còn đủ thức ăn không. Mình quyết định khắc cốt ghi tâm tin nhắn này, để mỗi lần nhìn thấy vẫn luôn biết dù cuộc sống có khó khăn, vòng xoáy cơm áo gạo tiền vùi dập thế nào đi chăng nữa thì phía sau mình vẫn còn gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất”, cô gái trẻ tâm sự.
Hay Ngọc Trinh, chủ nhân của hình xăm “Mẹ nghe nè em”, cũng là hình xăm đầu tiên trong cuộc đời cô. “Mẹ mình mỗi lần nhấc điện thoại lên, câu đầu tiên vẫn luôn là “Mẹ nghe nè em”. Tất cả đều sẽ được giữ lại ở đây và cả trong tim mình nữa”, cô cho biết.
Chị Loan (23 tuổi) quyết định xăm một tin nhắn của cô giáo gửi trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp: “Dù có bị la hơi nhiều nhưng đừng nghĩ mình không giỏi”. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời chị đi xăm.
Anh N.M.T. (21 tuổi) thì xăm dòng chữ “Thưa Ngoại con mới về”. “Tuổi thơ tôi sống với ngoại. Nên câu đó tôi nói từ nhỏ đến giờ. Ngoại như một người bạn của tôi. Nhưng ngoại vừa mất do nhiễm COVID-19… Tôi xăm dòng đó lên người để cảm thấy ngoại luôn còn bên mình”, anh T. xúc động tâm sự.
Một bạn gái 20 tuổi khác cũng đã lấy đi nước mắt của nhiều người khi muốn xăm dòng tin nhắn của người mẹ đã mất lên cánh tay của mình. Trong lần liên lạc cuối cùng của hai mẹ con, kể từ dòng tin nhắn “Phỏng vấn đậu hay không bé?”, mẹ cô đã ra đi mãi mãi. Cô muốn xăm lên cánh tay lời của mẹ, như để lưu giữ kỉ niệm, sự gắn kết giữa hai mẹ con.
Với bạn trẻ Jess Huynh thì một hình xăm Tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ nào thì đều nên có ý nghĩa với mỗi người. “Hãy xăm sao để 20 năm nữa nó vẫn có ý nghĩa và phản ánh lối sống, con người của bạn, chứ đừng nên bắt chước người khác. Đó là lý do mình xăm chữ “sao chân tay lấm lem thế”. Vì mình hay vẽ tranh mà tính mình rất ẩu, tay chân hay dính màu vẽ, mọi người xung quanh hay kêu là “sao tay chân lấm lem thế”. Mình thấy nó hay và phản ánh đúng con người mình”.
“Muốn thay đổi cách nhìn về hình xăm”
Vốn là một họa sĩ vẽ minh họa, Nguyễn An có tiếp xúc với nghệ thuật xăm thông qua một người bạn. Thấy hay hay, nên anh tự nghiên cứu trên Youtube, rồi quyết định học hỏi và theo nghề một cách nghiêm túc đã hơn 3 năm nay. “Xăm là loại hình nghệ thuật có mặt trên thế giới từ lâu. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn không ít định kiến về vấn đề xăm. Một số người cho rằng, những ai sở hữu hình xăm thường không có nhân cách và lối sống tốt. Vì vậy, mình mong muốn thông qua dự án “Xăm tiếng Việt đi” sẽ giúp xóa bỏ định kiến về nghệ thuật xăm và giúp nó trở nên gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là với các cô chú lớn tuổi”, anh chàng thợ xăm chia sẻ.
Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, dự án “Xăm tiếng Việt đi” nhận được nhiều phản ứng tích cực. Đông đảo dân mạng hào hứng chia sẻ bài đăng, đồng thời để lại bình luận cổ vũ dự án, cho biết mình sẵn sàng tham gia. Nguyễn An cũng hứa, sau khi thực hiện xong 100 tác phẩm xăm tiếng Việt, anh sẽ in thành sách tặng riêng cho những người tham gia. “Lúc đầu, để động viên mọi người, mình đã thông báo giảm giá 50%, và nghĩ chắc phải mất 3 tháng mới đủ số lượng khách, bởi phần lớn các bạn trẻ hiện nay vẫn thích xăm tiếng Anh hoặc các hình vẽ nhiều chi tiết hơn. Nhưng thật bất ngờ, chỉ trong 10 ngày đã có 70 người đăng ký, phần lớn là những người lần đầu đi xăm”, An kể.
Trong suốt thời gian thực hiện dự án, đa số khách đến cửa hàng đều chuẩn bị sẵn những câu nói tiếng Việt có ý nghĩa với bản thân. Có cái sâu sắc, có cái lại hồn nhiên, dễ thương. Nhiều người nghĩ rằng xăm là phải đẹp về thiết kế nhưng Nguyễn An không nghĩ vậy. Anh cho rằng, nó đẹp khi đọc lên thấy hay, ngôn ngữ và nội dung chứa đựng nhiều xúc cảm chứ không đơn thuần về mặt trình bày. Cũng vì vậy, anh thường góp ý cho khách lựa chọn phông chữ phù hợp thay vì chạy theo những phông thịnh hành. Cách làm này giúp chuyển tải được toàn bộ nội dung, khiến hình xăm có ý nghĩa và cá tính hơn.
An nói, anh không dám nghĩ xa về việc giữ gìn tiếng Việt qua dự án này, nhưng nếu dự án góp một phần nhỏ, được các bạn trẻ ủng hộ và lan tỏa tinh thần yêu tiếng Việt thì đó là hạnh phúc của một người làm nghề như anh, “Người Việt đưa ngôn ngữ Việt vào những hình xăm để khi bạn bè quốc tế hỏi đến, chúng ta có thể tự hào giới thiệu ý nghĩa và câu chuyện của bản thân sau mỗi hình xăm. Chúng ta có thể tự hào vì dòng chữ ấy là của người Việt Nam chứ không phải là ngôn ngữ của quốc gia khác”. Hiện tại, Nguyễn An cũng đang ấp ủ dự án xăm hình 63 tỉnh thành Việt Nam theo phong cách lồng ghép chữ và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của mỗi vùng miền.