Báo Dân trí đưa tin, lươn biển là một sản phẩm mới lạ trên thị trường Việt Nam vài năm trở lại đây. Nó chỉ thực sự xuất hiện khi người Hàn qua thuê tàu, thuê công nhân của mình để ra khơi bắt về rồi nhập trở về nước họ.
Được biết, lươn biển chủ yếu sống ở vùng nước sâu, dòng hải lưu và nhiệt độ nước ổn định (nước sâu tầm 500-1000m, nhiệt độ nước 5-10*C) và cách xa bờ 80-100 hải lí, việc đánh bắt loài lươn này không hề đơn giản.
Món lươn hấp dẫn sau khi chế biến Ảnh: báo Dân Việt
Lươn sau khi đánh bắt lên bờ sẽ được phân loại to nhỏ. Nếu lươn nhỏ quá, lái buôn sẽ bắt thả ngay xuống biển. Còn lươn to sản phẩm sẽ được thả ngay vào bể lớn trên tàu. Để đảm bảo lươn sống khi về, trên thuyền phải có bể có thể thay đổi được nhiệt độ nước ổn định ở mức 5 độ C, thông số muối, oxy phù hợp. Ngay khi vào đến bờ thì lươn sẽ được đưa ngay vào nhà máy sơ chế thủ công, lột bỏ da đầu và được đóng gói cấp đông ngay lập tức.
Sản phẩm lươn sau khi sơ chế.
Số lươn biên câu được Hàn Quốc thu mua tới 50%, Nhật Bản 30% và Đài Loan (Trung Quốc) 20%, thông tin đăng tải trên báo Tiền Phong.
Nhiều ngư dân Việt Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm nghề câu lươn như ngư dân Thái Vinh Ngộ (35 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã hạ thủy chiếc tàu câu lươn số hiệu ĐNa 90848TS trị giá 11 tỷ đồng. Chiếc tàu có công suất gần 1.000 CV, trang bị tổng cộng 7 loại máy và nhiều thiết bị làm lạnh, chế biến, nuôi sống thủy hải sản. Đây là tàu đầu tiên ở miền Trung được đóng mới để câu lươn biển.
Ngư dân Ngộ cho biết, thời gian đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa từ 10 đến 20 ngày mỗi chuyến, dự kiến công suất khoảng 7 đến 8 tấn lươn biển. Với giá dao động từ 220.000 - 280.000 đồng/kg loại đã sơ chế. Còn hàng tươi sống nguyên con thì cao hơn, từ 300.000 - 400.000 đồng/kg”.
Theo lời anh Ngộ, năm vừa qua, với 3 tàu câu lươn biển xuất khẩu, anh thu nhập khoảng 11 tỷ đồng.