"Bà ấy 92 còn cậu 95, thế cậu là phi công trẻ lái máy bay bà già à?"
"Èo, bà cô ấy 50 đến nơi mà còn thích phi công trẻ. Phụ nữ hồi xuân đúng là hừng hực nhỉ!"
Chuyện rằng, trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975, có một loại máy bay cánh quạt được sử dụng rất phổ biến có tên là L19, còn được gọi với một cái tên dân gian là bà đầm già, hay máy bay bà già.
Đây là máy bay chiến đấu hẳn hoi, và người lái những chiếc máy bay này là phi công có tuổi đời rất trẻ. Cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già” có xuất xứ như vậy, và đúng nghĩa như vậy.
Nghĩa đen thì là như vậy, còn nghĩa bóng của “phi công trẻ” và “máy bay bà già” bây giờ được dùng với ý nghĩa khác hẳn.
Cụ thể ở đây là ám chỉ tình cảm nam nữ, khi mà người nam thì trẻ tuổi, còn người nữ lại lớn tuổi hơn rất nhiều. Mối quan hệ này có thể là ngoài vấn đề tình cảm thì người nam sẽ phụ thuộc tài chính vào người nữ.
Đây là một loại quan hệ nam nữ không nhận được sự đồng tình và tôn trọng của xã hội. Bởi vì, cụm từ mỉa mai này được dùng khi mối quan hệ giữa hai người không hề xuất phát từ tình yêu, mà mang ý nghĩa lợi dụng nhau.
Người đàn bà có tiền lợi dụng thể xác của những chàng trai trẻ. Còn chàng trai trẻ mang sức lực của mình ra để đổi tình dục lấy tiền bạc.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là định kiến xã hội. Còn trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp phụ nữ lớn tuổi có tình cảm lành mạnh với bạn trai ít tuổi hơn. Và họ nghiêm túc trong mối quan hệ này, cũng như các vấn đề hôn nhân - gia đình và tương lai.
Càng ngày thì chuyện “phi công trẻ lái máy bay bà già” càng trở nên phổ biến hơn và cũng được chấp nhận dễ dàng hơn trong xã hội.
Trừ trường hợp là mối quan hệ này có yếu tố lừa đảo, lợi dụng niềm tin và tình cảm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, thì các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý.
Còn đơn giản thì chuyện tình cảm là chuyện riêng tư, cá nhân. Ai yêu ai, ai quan hệ với ai, vì tình hay vì tiền, thì cũng là chuyện của họ, chứ không phải chuyện của xã hội.