Lai Châu có 265,165km đường biên giới Việt - Trung, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới trực tiếp giao lưu với vùng lục địa rộng lớn phía Tây Nam của Trung Quốc; được gắn với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng các tuyến quốc lộ 4D, 70, 32 và đường thủy sông Đà, tiềm năng phát triển dịch vụ - thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch. Đồng thời, tỉnh Lai Châu cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nên Lai Châu có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mà trực tiếp là các công trình thủy điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng.
Theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 được thông qua ngày 26/11/2003 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập trên cơ sở tách một số huyện của tỉnh Lai Châu (cũ) và sáp nhập thêm huyện Than Uyên từ tỉnh Lào Cai. Tỉnh lỵ mới đóng tại thị xã Tam Đường (trước đó gọi là thị trấn Phong Thổ), lấy tên mới là thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu).
Hiện nay, Lai Châu có 08 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; 106 đơn vị hành chính cấp xã (94 xã, 5 phường và 7 thị trấn). Cộng đồng dân cư trong tỉnh bao gồm có 20 dân tộc.
Vị trí địa lý của Lai Châu có ý nghĩa quan trọng về mặt tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng; tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.