CUỘC TÌM KIẾM HƠN 70 NĂM "KỲ QUAN THẾ GIỚI THỨ 8" MẤT TÍCH BÍ ẨN
"Căn phòng Hổ phách" - kho báu được xem là "kỳ quan thứ 8 của thế giới" - vẫn đang biến mất bí ẩn hơn 70 năm qua sau khi nó bị phát xít Đức đánh cắp từ Liên Xô vào Thế chiến II.
Là công trình do các nghệ nhân Nga và Đức tạo ra, "Căn phòng Hổ phách" không chỉ là một kho báu quý giá, thể hiện kỹ nghệ tinh xảo và giá trị văn hóa, nó là một di sản thể hiện quyền lực của triều đại Romanov - vương triều phong kiến cuối cùng của nước Nga.
Tuy nhiên, những kho báu quý giá bên trong căn phòng đã biến mất một cách bí ẩn khi phát xít Đức tấn công Liên Xô vào Thế chiến II. Trong những năm qua, các nghệ nhân và nhà sử học Nga đã khôi phục lại phiên bản mô phỏng của kho báu tráng lệ này. Tuy nhiên, những giả thuyết và tin đồn về căn phòng nguyên bản vẫn đang xuất hiện và làm dấy lên hy vọng rằng thế giới có thể được chứng kiến tuyệt phẩm này thêm một lần nữa.
"KỲ QUAN THẾ GIỚI THỨ 8"
Peter Đại đế, Sa hoàng Nga trị vì từ năm 1682-1721, nổi tiếng là người đam mê những sự hiếu kỳ và độc lạ. Ông có một bộ sưu tập những báu vật độc đáo mà cho tới nay vẫn được trưng bày tại thành phố St. Petersburg của Nga. Trong triều đại của Peter Đại đế, ông đã tiến hành cuộc cải tổ lớn, khiến nước Nga nhảy vọt trở thành một đế quốc hùng cường trên thế giới thời đó. Để lấy lòng vị Sa hoàng quyền lực, các vị vua trị vì ở châu Âu thừa hiểu rằng sẽ không có cách nào tốt hơn là tặng cho ông một món quà ấn tượng.
Đó là lý do vì sao mà Vua Frederick William I của nước Phổ đã quyết định tặng cho Peter Đại đế một món quà tráng lệ. Năm 1716, ông chuyển tới cho Sa hoàng Nga một căn phòng, được chính tay những kiến trúc sư và nhà điêu khắc giỏi nhất của Phổ tạo ra. Căn phòng được trang trí bằng hổ phách và vàng, thường được biết tới với cái tên "Căn phòng Hổ phách" và được mệnh danh là "kỳ quan thứ 8 của thế giới" vì vẻ đẹp lộng lẫy, đáng kinh ngạc.
Các hậu duệ của Peter Đại đế sau này đã tiếp tục nâng cấp báu vật này, biến căn phòng trở thành một viên ngọc quý trong tài sản khổng lồ của triều đại Romanov. Tới cuối thế kỷ 18, nó đã được mở rộng thành một căn phòng lộng lẫy rộng gần 100 m2 và được trang trí bằng 6 tấn hổ phách, vàng lá và đá quý. Các nhà sử học và thợ kim hoàn vẫn tranh cãi về giá trị gần đúng của căn Hổ phách với ước tính dao động từ 142 triệu đến hơn 500 triệu USD.
Catherine Đại đế, nữ hoàng trị vì Nga vì từ năm 1762-1796, đã ưu ái đặt căn phòng quý giá này ở lâu đài Catherine, cung điện mùa hè của bà nằm ở Tsarskoye Selo (giờ đây là thành phố Pushkin, nằm cách St. Petersburg 30 km về phía nam).
Sau đó, căn phòng tiếp tục được lưu giữ lại ở cung điện Catherine tới năm 1941. Một kế hoạch nhằm phục chế nó đã được Liên Xô đưa ra và dự kiến thực hiện vào năm đó, nhưng khi đó Chiến tranh Xô - Đức bùng phát và kế hoạch đã bị tạm gác lại.
Có thể nói trong suốt hàng trăm năm kể từ khi ra đời, "Căn phòng Hổ phách" được xem là kho báu kết tinh sự tinh hoa của 2 dân tộc Nga và Đức.
MẤT TÍCH BÍ ẨN
Thế chiến II nổ ra vào tháng 6/1941 và phát xít Đức chiếm ưu thế hơn hẳn so với Liên Xô trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Xô - Đức. Tới tháng 9 cùng năm, thành phố Pushkin rơi vào tay phe phát xít. Rất nhiều các hiện vật bảo tàng và tác phẩm nghệ thuật vô giá đã được Liên Xô chuyển tới Siberia để lưu giữ, nhưng "Căn phòng Hổ phách" lại có kích thước quá lớn và quá dễ hỏng để có thể mang đi.
Liên Xô đã cố gắng ngụy trang căn phòng bằng một lớp giấy dán tường bao phủ lên, nhưng kế hoạch đã thất bại.
Theo quan điểm của trùm phát xít Adolf Hitler vào thời điểm đó, hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật từ các thế kỷ trước ở Nga, bao gồm cả "Căn phòng Hổ phách", được xem là các tài sản bị "đánh cắp khỏi tay người Đức". Phía phát xít tuyên bố "Căn phòng Hổ phách" là của họ và bắt đầu tháo dỡ kho báu này ra rồi chuyển nó tới Königsberg (nay là Kaliningrad, Nga, cách Moscow 1.088 km về phía đông).
Theo Alfred Rohde, nhà sử học nghệ thuật người Đức, người đã giám sát bộ sưu tập tại lâu đài Königsberg từ năm 1926-1945, phát xít Đức đã bảo quản rất kỹ lưỡng "Căn phòng Hổ phách". Ông Rohde nói rằng, kho báu này đã sống sót khi trung tâm lịch sử ở Königsberg bị phe Đồng minh ném bom và cháy rụi. Các phần của căn phòng được dỡ ra và vẫn đặt ở dưới tầng hầm lâu đài. Tuy nhiên, khi Liên Xô giành được quyền kiểm soát Königsberg vào tháng 4/1945 sau khi đánh bại phát xít Đức, căn phòng đã biến mất không dấu vết.
Hàng loạt giả thuyết về số phận của "Căn phòng Hổ phách" đã được đưa ra, ví dụ như nó có thể đã bị cháy trong chiến tranh. Tuy nhiên, theo chuyên gia Anatoly Valuev của bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Kaliningrad, phía Liên Xô không phát hiện bất cứ dấu vết nào cho thấy căn phòng đã bị thiêu cháy.
Một giả thuyết khác là căn phòng có thể đang bị chôn vùi đâu đó trong tầng hầm dưới lâu đài Königsberg - công trình từng bị phe Đồng minh tấn công trong Thế chiến II rồi sau đó bị Liên Xô phá hủy vào năm 1969.
Một số giả thuyết khác cho rằng, căn phòng vẫn tồn tại và có thể đã bị chuyển về Đức khi phe phát xít nhận ra ngày tàn của lực lượng này sắp tới gần. Sử gia người Nga Andrei Przedomsky thậm chí đặt ra giải thiết rằng, kho báu này bị phát xít Đức giấu dưới hệ thống boongke chưa được tiết lộ nằm ở Kaliningrad. Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ, căn phòng này đã được âm thầm chuyển tới Nam Mỹ, cùng với một số lãnh đạo phát xít Đức tháo chạy sau khi thua cuộc vào năm 1945.
Nỗ lực tìm kiếm "Căn phòng Hổ phách" đã được Liên Xô tiến hành từ năm 1946. Hai cuộc điều tra lớn được mở ra nhưng vẫn không có bất cứ dấu vết nào của Căn phòng. Các chuyên gia Liên Xô tìm kiếm hàng trăm địa điểm xung quanh Kaliningrad và đống đổ nát của lâu đài Königsberg. Vào những năm 2000, đội tìm kiếm của Nga sử dụng công nghệ hiện đại và tìm thấy nhiều tác phẩm nghệ thuật và trang sức dưới tầng hầm của lâu đài. Nhưng căn phòng bí ẩn vẫn là một ẩn số.
NHỮNG MANH MỐI MỚI
Tháng 5 năm nay, 5 lối đi thuộc hệ thống hầm ngầm bí mật từ Thế chiến II của phát xít Đức đã được phát hiện trong một cánh rừng rộng 200 héc-ta ở Mamerki, phía đông bắc Ba Lan và nằm gần lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga. Phát hiện này làm dấy lên hy vọng rằng tung tích bí ẩn của "Căn phòng hổ phách" sẽ được tìm ra.
Mamerki từng là nơi Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng trên bộ của quân đội phát xít Đức đặt các boong-ke trụ sở vào thời kỳ Thế chiến II. Một số đường hầm mới bị đất đá vùi lấp và sẽ mất nhiều thời gian để đào bới và tìm kiếm.
Các chuyên gia cho rằng, đường hầm được xây dựng kiên cố có thể là nơi lý tưởng để giấu căn phòng. Lật lại quá khứ, các sử gia cho biết, trước khi thất trận, trùm phát xít Hitler đã ra lệnh chuyển các vật quý từ Đông Prussia (nay là Kaliningrad) về Đức. Tuy nhiên, lãnh đạo Đông Prussia khi đó, Erich Koch, đã rời bỏ vị trí trước khi mệnh lệnh được thi hành. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc căn phòng vẫn ở đang ở lại khu vực gần Kaliningrad.
Nhóm Baltictech khám phá xác tàu SS Karlsruhe (Ảnh: 9 News).
Tháng 9 năm nay, nhóm thợ lặn Ba Lan Baltictech ngày 6/9 đã bắt đầu khám phá nhằm tìm kiếm manh mối tại xác tàu phát xít Đức SS Karlsruhe, đang nằm dưới đáy biển Baltic. Nhóm này cho rằng, họ có thể tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật mất tích và các cổ vật vô giá từ "Căn phòng hổ phách" huyền thoại.
Nhóm Baltictech phát hiện ra xác tàu Karlsruhe, con tàu từng bị đánh chìm năm 1945, cách thị trấn ven biển Ustka của Ba Lan 69 km. Nhóm này liệt kê ra hàng loạt lý do khiến họ tin rằng, Karlsruhe có thể chứa kho báu mất tích. Trong chuyến hành trình cuối cùng tháo chạy khi phe phát xít bại trận, con tàu khởi hành từ Koenigsberg với 360 tấn hàng hóa trên tàu và được bảo vệ bởi hai tàu quét mìn, cho thấy rằng nó có thể chở một lượng hàng hóa lớn, có giá trị, bao gồm căn phòng.
Tuy nhiên, sau vài tuần lễ tìm kiếm, các thợ lặn vẫn chưa thể phát hiện ra dấu vết của "Căn phòng Hổ phách" dưới xác tàu.
Câu hỏi được đặt ra là liệu số phận của căn phòng nguyên bản hiện đang ra sao? Nó có còn tồn tại hay đã bị chiến tranh phá hủy từ lâu?
Nhưng ngay cả khi "Căn phòng Hổ phách" được tìm thấy và nếu nó được tìm thấy bị chôn vùi trong lòng đất thì chuyên gia Nga Tatyana Suvorova cho rằng, nó có thể sẽ chỉ còn giá trị về mặt lịch sử. "Hổ phách là vật liệu phức tạp, khá mỏng manh và có thể biến đổi theo thời gian nên cần có sự bảo quản theo tiêu chuẩn bảo tàng để giữ nguyên giá trị về mặt nghệ thuật", bà Suvorova nhận định.
PHIÊN BẢN PHỤC DỰNG "KHÔNG TỲ VẾT"
Theo Russia Beyond, một số mảnh của "Căn phòng Hổ Phách" nguyên bản trên thực tế vẫn còn tồn tại. Năm 2000, Đức đã trả lại 2 mảnh trang trí của căn phòng cho Nga, gồm một tấm khảm và một mảng hổ phách.
Tuy nhiên, khi các nỗ lực tìm kiếm phần còn lại kho báu này không mang lại kết quả, Liên Xô năm 1979 đã quyết định phục dựng lại căn phòng. Các nhà khoa học và điêu khắc của Nga kết hợp với thợ thủ công Đức đã nỗ lực bắt đầu lại từ con số 0. Dự án yêu cầu sự tỉ mỉ tuyệt đối chính thức bắt đầu từ năm 1981 và kéo dài hơn 20 năm, với tổng chi phí 11,35 triệu USD.
Ngoài dựa vào 2 mảnh còn lại, các chuyên gia đã sử dụng 86 bức ảnh chụp căn phòng trước khi Thế chiến II diễn ra để làm căn cứ phục dựng.
Vẻ đẹp gây choáng ngợp của "Căn phòng Hổ phách" luôn khiến các du khách kinh ngạc dù họ chỉ được tham quan phiên bản phục dựng (Ảnh: Guardian).
Phiên bản mô phỏng "Căn phòng Hổ phách" được mô tả là gần giống bản gốc đã được giới thiệu tới công chúng vào năm 2003 tại cung điện Catherine ở Pushkin.
Eduard von Falz-Fein, một doanh nhân gốc Nga đến từ quốc gia châu Âu Liechtenstein, đã dành 30 năm cuộc đời để tìm kiếm "Căn phòng Hổ phách". Năm 2004, ông nhận định Căn phòng được phục dựng là một phiên bản "có giá trị", dựa trên trải nghiệm của bản thân khi ông đã tận mắt chứng kiến bản gốc vào lúc 5 tuổi.
Đức Hoàng
Theo Rbth