Điều trị bằng thuốc là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực y tế, dựa trên dược lý học để liên tục tiến bộ và dược học để quản lý thuốc một cách hiệu quả, thích hợp. Tuy nhiên, khi sử dụng dược phẩm, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn bạn cần lưu ý nhiều vấn đề. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!
Dược phẩm là gì?
Dược phẩm hay còn gọi là thuốc là các sản phẩm được sử dụng để phòng, chữa bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dược phẩm được định nghĩa là các sản phẩm bao gồm hai thành phần chính là thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền với công dụng cụ thể và các chỉ định rõ ràng về thành phần.
Ngoài ra dược phẩm cần đảm bảo độ an toàn, hiệu quả và chất lượng với quy định rõ ràng về thời gian sử dụng và liều lượng. Tại Việt Nam, theo Luật dược (ngày 14/6/2005), dược phẩm được hiểu là các chất hoặc hỗn hợp các chất sử dụng cho con người để phòng, chữa bệnh, chẩn đoán hoặc điều chỉnh các chứng năng sinh lý của cơ thể, bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc và sinh phẩm y tế.
Dược phẩm gồm những dạng nào?
Dược phẩm bao gồm nhiều thành phần và dạng khác nhau được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Cụ thể:
Theo góc độ sản xuất dược phẩm được chia thành:
- Thuốc thành phẩm: Đã qua quá trình sản xuất, kiểm duyệt và đóng gói, sẵn sàng để sử dụng.
- Vắc xin: Là các sản phẩm sinh học giúp tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng.
- Sinh phẩm y tế: Sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ sinh học.
- Nguyên liệu làm thuốc: Đây là thành phần cấu tạo nên thuốc trong quá trình sản xuất.
Theo mục đích sử dụng, dược phẩm được chia thành:
- Thuốc phòng bệnh.
- Thuốc chẩn đoán bệnh.
- Thuốc chữa bệnh.
Theo nguồn gốc của thuốc, dược phẩm được chia thành:
- Dược phẩm nguồn gốc tự nhiên.
- Sản phẩm dược tổng hợp.
Theo định dạng của thành phẩm, dược phẩm được chia thành:
- Thuốc uống dạng lỏng.
- Thuốc viên nén.
- Thuốc dạng siro.
- Thuốc có thể hòa tan.
- Thuốc dạng kem.
Trong đó, phân loại theo góc độ sản xuất là phổ biến nhất, tuy nhiên các quốc gia có thể có sự khác biệt trong việc phân loại các sản phẩm dược phẩm.
Đặc điểm của dược phẩm
Dược phẩm là một loại sản phẩm tương đối đặc biệt với những đặc điểm cụ thể sau đây:
Tính xã hội cao và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân
Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất so với các loại hàng hóa khác. An toàn sức khỏe của con người là yếu tố hàng đầu, do đó việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc cần phải có sự quản lý và kiểm tra chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước như: Bộ Y tế và Bộ Thương mại. Điều này nhằm ngăn chặn các rủi ro như: Nhập khẩu hàng quá hạn sử dụng, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng hoặc hàng giả.
Cần nguồn chi phí lớn để nghiên cứu, phát triển
Để đạt được các yêu cầu về chất lượng và hiệu quả của thuốc, việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, máy móc, quy trình sản xuất, phân phối và bảo quản là rất lớn. Điều này bao gồm cả các chi phí phát sinh như: Vận chuyển và bảo quản để đưa thuốc đến người tiêu dùng.
Yêu cầu chất xám và trình độ kỹ thuật hiện đại
Để phát triển và điều chế các sản phẩm thuốc mới, cần phải sử dụng nguồn lực con người và các công nghệ hiện đại như: Sinh học, hóa học, vật lý học... Do đó, chỉ những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mới có thể thực hiện được điều này.
Là ngành nghề có tính độc quyền và lợi nhuận cao
Ngành dược được coi là một trong những ngành kinh doanh có tính độc quyền và lợi nhuận cao, đặc biệt là đối với các sản phẩm mới ra mắt có giá độc quyền cao. Điều này hợp lý bởi các chi phí phát sinh từ nghiên cứu và phát triển là rất lớn.
Phải tuân thủ các tiêu chuẩn
Mỗi quốc gia có các tiêu chuẩn riêng biệt đối với các loại dược phẩm. Các tiêu chuẩn này thường rất nghiêm ngặt và khắt khe ở các quốc gia phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Đức... Các tiêu chuẩn bao gồm: Good Manufacturing Practice (GMP), Good Laboratory Practice (GLP), Good Storage Practice (GSP), Good Distribution Practice (GDP) và Good Pharmacy Practice (GPP).
Vai trò quan trọng giữa người mua và người bán
Dược phẩm là loại hàng hóa đặc biệt hơn nhiều so với các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Người mua thuốc thường là các Dược sĩ thay vì người sử dụng cuối cùng. Trong nhiều quốc gia, chi phí sử dụng thuốc thường được bảo hiểm y tế ngân sách nhà nước chi trả.
Vị trí, vai trò của dược phẩm
Sử dụng thuốc để phòng, chữa bệnh đồng thời nâng cao sức khỏe là một nhu cầu thiết yếu từ xa xưa của con người. Nhờ vào sự phát triển của ngành dược học, nhiều loại thuốc mới đã được phát hiện và nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khắc phục. Hiện nay, thuốc đã trở thành một vũ khí không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh và nâng cao sức khỏe.
Nghiên cứu, điều chế, sản xuất thuốc mới là một lĩnh vực hấp dẫn, vận dụng những thành tựu khoa học mới nhất để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các căn bệnh ngày càng nguy hiểm và phức tạp.
Thời gian gần đây, vai trò của thuốc trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được coi trọng. Việc đảm bảo sẵn có các thuốc chữa bệnh là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức sống của một quốc gia.
Sự thiếu hụt các loại thuốc có thể gây lo lắng và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chính trị - xã hội, có thể cứu sống hoặc gây tử vong. Do đó, đảm bảo sự hiện diện đầy đủ và đúng đắn của các loại thuốc là một vấn đề xã hội nhạy cảm.
Trong bối cảnh này, vai trò của người Dược sĩ trở nên cực kỳ quan trọng. Họ không chỉ thực hiện việc chẩn đoán, kê đơn thuốc và hướng dẫn cho người bệnh mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp cao và cái tâm với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Lưu ý cần nhớ khi sử dụng dược phẩm
Để đạt được hiệu quả tối đa trong phòng ngừa và chữa bệnh, đồng thời tránh những tác dụng phụ không mong muốn, khi sử dụng thuốc, bạn cần lưu ý các điều sau đây:
Tương tác thuốc
Mặc dù tỷ lệ này khá thấp, tuy nhiên tương tác giữa thuốc với các thành phần khác có thể làm mất đi tác dụng của dược phẩm hoặc gây ra những hậu quả không mong muốn. Một vài loại dược phẩm mà bạn sử dụng có thể tương tác với thực phẩm và thức uống. Các tương tác thuốc cần lưu ý gồm:
- Nếu đang sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần, không nên sử dụng thuốc trị mất ngủ cùng lúc.
- Tránh sử dụng dược phẩm chứa aspirin nếu bạn có bệnh Gout, tiểu đường hoặc sử dụng các loại thuốc làm loãng máu.
- Khi có triệu chứng buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày không nên sử dụng thuốc nhuận tràng.
- Tránh sử dụng thuốc giảm xung huyết nếu bạn có bệnh tiểu đường, tim mạch, bệnh tuyến giáp, đang dùng thuốc trị cao huyết áp hoặc gặp vấn đề về tuyến tiền liệt.
- Tránh uống rượu khi đang dùng các loại thuốc kháng histamin, các loại thuốc ho, cảm chứa dextromethorphan hay thuốc trị mất ngủ.
Lưu ý khi dùng dược phẩm với phụ nữ có thai và cho con bú
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, cần đặc biệt cẩn thận khi sử dụng dược phẩm, kể cả các chất dinh dưỡng bổ sung. Thuốc có thể chuyển từ mẹ sang thai nhi trong hành trình mang thai. Mặc dù có thể thuốc an toàn cho thai phụ nhưng lại có thể nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, bạn nên tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại dược phẩm nào.
Đối với phụ nữ đang cho con bú, mặc dù nồng độ thuốc trong sữa thấp và khó gây nguy hại cho trẻ sơ sinh, nhưng các bà mẹ cũng cần hết sức cẩn thận. Phụ nữ cho con bú nên tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi sử dụng dược phẩm.
Lưu ý với trẻ em
Hệ miễn dịch ở trẻ em chưa hoàn thiện và cơ thể chưa phát triển hoàn toàn, do đó khi cho trẻ sử dụng dược phẩm cần cẩn thận. Một số lưu ý gồm:
- Không dựa vào trọng lượng để tính liều lượng thuốc cho bé mà phải dựa vào độ tuổi và hướng dẫn sử dụng của dược sĩ hoặc bác sĩ trong đơn thuốc.
- Phải phân biệt giữa muỗng canh và muỗng cà phê khi cho trẻ dùng thuốc. Một muỗng cà phê tương đương 1/3 muỗng canh.
- Không nên tự ý tăng liều khi trẻ bị bệnh nặng hơn so với lần trước.
- Luôn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ khi cho trẻ sử dụng hai loại thuốc cùng lúc.
- Không được để trẻ tự uống thuốc.
Lưu ý khác
- Thuốc hết hạn sử dụng không được sử dụng nên cần được loại bỏ đúng cách.
- Không nên tự ý mua thuốc và cần quan sát kỹ về bao bì, hạn sử dụng của thuốc.
- Nên mua thuốc ở những địa chỉ uy tín, không nên tin vào quảng cáo hoặc lời đồn đại, mua thuốc qua mạng.
- Không nằm uống thuốc.
- Trong thời gian sử dụng thuốc, không nên ăn uống tùy tiện.
- Không nên uống thuốc trực tiếp từ chai (thuốc nước hoặc siro) vì có thể dẫn đến nhiễm bẩn và không thể kiểm soát được liều lượng chính xác, gây tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ nếu dùng quá liều.
- Bảo quản thuốc tại nhà đúng cách, luôn giữ dược phẩm ở nơi khô ráo và mát mẻ hoặc theo yêu cầu được ghi trên nhãn, kiểm tra tất cả các loại thuốc và làm sạch tủ thuốc ít nhất một lần hai năm.
- Để tránh nhầm lẫn, nên giữ thuốc trong những hộp chứa ban đầu.
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về dược phẩm, vai trò quan trọng của chúng trong đời sống cũng như lưu ý khi sử dụng các sản phẩm này. Để đảm bảo an toàn mỗi lần mua dược phẩm, hãy lựa chọn địa chỉ uy tín, có thương hiệu và cần đọc thật kỹ nhãn sản phẩm cũng như hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bạn nhé!
Xem thêm:
- Uống thuốc gì dễ bị sảy thai và cách phòng ngừa
- Thuốc kê đơn là gì? Ưu và nhược điểm là gì?