Đột quỵ nhẹ (hay đột quỵ nhỏ, cơn thiếu máu não thoáng qua) là tình trạng tắc nghẽn máu đến não ở mức độ nhẹ trong thời gian ngắn. Vậy triệu chứng đột quỵ nhẹ hay dấu hiệu đột quỵ nhẹ và cách chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh như thế nào?
Có thể nhiều người đã từng nghe đến thuật ngữ “đột quỵ nhẹ” nhưng chưa thật sự hiểu đúng về căn bệnh này. Những thông tin dưới đây sẽ phần nào giải đáp đột quỵ nhẹ là gì, triệu chứng đột quỵ nhẹ hay dấu hiệu, biển hiện đột quỵ nhẹ ra sao, từ đó người bệnh có thể sớm nhận biết và chủ động đi khám, điều trị kịp thời.
Đột quỵ nhẹ là gì?
Đột quỵ nhẹ (đột quỵ nhỏ, đột quỵ mini hay cơn thiếu máu thoáng qua - TIA) là tình trạng tắc nghẽn lưu lượng máu đến một phần não trong một thời ngắn nhất định. Điều này xảy ra do mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn hoặc co lại dẫn đến tình trạng thiếu máu và dưỡng chất cung cấp cho não trong thời gian ngắn. Đột quỵ nhẹ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nhưng vẫn có thể để lại các biến chứng nguy hiểm cho não bộ.
Đặc biệt, đột quỵ nhẹ là dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một người có nguy cơ bị đột quỵ nặng xảy ra sau đó. Những người bị đột quỵ nặng thường cho biết đã nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo sớm (triệu chứng đột quỵ nhẹ). Khoảng 1 trong 3 người bị đột quỵ nhẹ sẽ bị đột quỵ nặng trong tương lai gần. Nguy cơ đột quỵ tái phát ở người bệnh đột quỵ nhẹ là 10 - 13% sau 90 ngày và nguy cơ đột quỵ đặc biệt cao trong vòng 48 giờ sau khi trải qua cơn đột quỵ nhẹ. (1)
Triệu chứng hay dấu hiệu đột quỵ nhẹ
Triệu chứng của đột quỵ nhẹ tương tự như một cơn đột quỵ thông thường. Tuy nhiên, các biểu hiện đột quỵ nhẹ có thể diễn ra nhanh hơn và khó phát hiện hơn. Để nhận biết một người có bị thiếu máu não thoáng qua hay không, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau đây: (2)
- Tê hoặc yếu cơ, tay chân, thường ở một bên cơ thể.
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
- Nhìn đôi hoặc khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.
- Rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói đớt hoặc khó hiểu lời nói của người khác tạm thời.
- Đau đầu dữ dội không có lý do.
- Mất trí nhớ tạm thời.
- Lú lẫn.
- Bất tỉnh.
Xem thêm:
- 5 dấu hiệu đột quỵ nguy hiểm cần lưu ý và xử trí ngay.
- Dấu hiệu trước khi đột quỵ cảnh báo nguy hiểm không thể bỏ qua.
Các triệu chứng của đột quỵ nhẹ thường bắt đầu đột ngột và có thể kết thúc, biến mất nhanh. Điều cần thiết là người bệnh phải nhận biết được chúng để có thể xử lý đúng cách. Người bệnh cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt để cải thiện tình trạng đột quỵ nhẹ một cách tối ưu.
Mỗi người có thể áp dụng quy tắc FAST để ghi nhớ các triệu chứng đột quỵ nhẹ hay dấu hiệu đột quỵ nhẹ dưới đây: (3)
- F (Face) - Mặt: Khuôn mặt của người bệnh có thể bị xệ xuống một bên. Người bệnh có thể cảm thấy khó cười, miệng hoặc mắt bị xệ xuống.
- A (Arm) - Cánh tay: Người bệnh có thể không nhấc được cả hai cánh tay lên và giữ hai tay ở tư thế giơ lên cao vì đã bị tê hoặc yếu ở một cánh tay.
- S (Speech) - Lời nói: Người bệnh có thể bị nói ngọng, nói không rõ ràng, người khác có thể không hiểu những gì người bệnh đang nói. Hoặc người bệnh cũng có thể không nói được gì cả hay thậm chí gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác đang nói. Rối loạn ngôn ngữ là một triệu chứng đột quỵ nhẹ phổ biến.
- T (Time) - Thời gian: Khi thấy một người có những biểu hiện đột quỵ nhẹ như trên thì nên gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Các dấu hiệu của đột quỵ nhẹ thường bắt đầu đột ngột và chỉ kéo dài vài phút. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các triệu chứng này tồn tại tới 24 giờ.
Phải làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ nhẹ?
Các biểu hiện của đột quỵ nhẹ hay dấu hiệu của đột quỵ nhẹ thường xảy ra nhanh, khó nhận biết. Điều này khiến người bệnh chủ quan trong cách nhận biết, xử lý và dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Người bệnh có thể không được đưa đến bệnh viện kịp thời, gặp nhiều biến chứng sau đột quỵ, thậm chí tử vong.
Khi một người có dấu hiệu hay triệu chứng đột quỵ nhẹ, người bệnh hoặc những người xung quanh cần hành động một cách nhanh chóng và cẩn thận theo các bước sau đây:
- Gọi ngay cấp cứu: Hãy gọi điện thoại cho bệnh viện gần nhất có đủ điều kiện điều trị cấp cứu đột quỵ để được tư vấn và hỗ trợ ngay lập tức. Hoặc, người nhà có thể tự đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Theo dõi triệu chứng: Chú ý theo dõi và ghi lại các triệu chứng đột quỵ nhẹ của người bệnh cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng và thông báo với nhân viên y tế ngay khi tiếp cận đội ngũ bác sĩ cấp cứu. Nếu biết, bạn có thể cung cấp thêm các thông tin như tiền sử bệnh, người này đã từng bị đột quỵ trước đây hay chưa, có đang hoặc đã dùng các loại thuốc nào không… Điều này có thể giúp cho các bác sĩ đưa ra đánh giá nhanh hơn và quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
- Giữ cho người bệnh nằm nghỉ một cách thoải mái: Hãy giữ cho người bệnh nằm nghỉ hoặc ngồi thoải mái để làm giảm áp lực lên cơ hệ tuần hoàn. Nên cho người bệnh nằm nghiêng nhẹ, cởi bớt các cúc áo, nới lỏng cà-vạt… để giúp người bệnh dễ thở hơn. Không cho người bệnh ăn uống để tránh sặc.
- Không tự ý cho người bệnh uống thuốc: Không nên tự cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào mà không được bác sĩ chỉ định.
- Không tự áp dụng các biện pháp điều trị: Tuyệt đối không tự ý điều trị đột quỵ cho người bệnh bằng cách dùng kim đâm vào đầu các ngón tay hay lỗ tai của người bệnh. Khi thấy một người có dấu hiệu đột quỵ nhẹ, điều kiện tiên quyết là cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây đột quỵ nhẹ
Đột quỵ nhẹ chủ yếu là do thiếu máu não cục bộ, mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông nhỏ bít tắc trong thời gian ngắn. Máu không thể lên não kịp thời và đầy đủ để nuôi các tế bào não. Một số trường hợp đột quỵ nhẹ là do vỡ mạch máu nhỏ bên trong não. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ nhẹ bao gồm: (4)
- Huyết áp cao.
- Hút thuốc lá.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Mắc các bệnh lý tim mạch (rung tâm nhĩ, hở van tim, suy tim…).
- Rối loạn lipid máu.
- Thừa cân, béo phì.
- Chế độ dinh dưỡng chưa khoa học.
- Người cao tuổi (trên 55 tuổi).
- Tiền sử gia đình.
- Giới tính (nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn).
- Có sử dụng thuốc tránh thai, liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố.
Đột quỵ nhỏ có nguy hiểm không?
Đột quỵ nhỏ có thể làm tăng nguy cơ trải qua cơn đột quỵ lớn hơn trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến thiệt hại về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, mặc dù đột quỵ nhỏ nhẹ hơn so với cơn đột quỵ thông thường nhưng người bệnh vẫn cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, đột quỵ nhỏ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ lớn, bao gồm rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng vận động. Người từng bị đột quỵ nhẹ thường dễ cảm thấy căng thẳng quá mức, luôn trong trạng thái lo lắng về việc mình sẽ bị đột quỵ trong thời gian sắp tới.
Cách chẩn đoán bệnh đột quỵ nhẹ
Để chẩn đoán bệnh đột quỵ nhẹ, bác sĩ có thể tiến hành thăm khám theo quy trình sau:
- Đánh giá triệu chứng: Bác sĩ thực hiện thăm khám để xem xét các triệu chứng đột quỵ nhẹ hay dấu hiệu đột quỵ nhẹ như khó nói, mất cân bằng hoặc mất thị lực tạm thời…
- Chụp MRI/CT não: Người bệnh được chỉ định chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT (cắt lớp vi tính). Từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh có bị đột quỵ hay không, xem vị trí mạch máu bị tắc nghẽn và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ…
- Kiểm tra chức năng não: Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp kiểm tra chức năng não để đánh giá những tác động của đột quỵ nhỏ lên chức năng não.
- Đo huyết áp: Đo huyết áp có thể giúp xác định nguy cơ tăng huyết áp ở người bị đột quỵ.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp kiểm tra các yếu tố nguy cơ như tiểu đường hoặc cholesterol cao.
Cách điều trị đột quỵ nhẹ
Tiên lượng cho một cơn đột quỵ nhẹ thường có thể điều trị tốt. Tuy nhiên, những người bị đột quỵ nhẹ có nguy cơ cao bị đột quỵ thường xuyên. Một số thống kê cho thấy, có tới 1 trong 4 người bị đột quỵ nhẹ sẽ tử vong trong vòng một năm. Ngoài ra, 1/3 số người bị đột quỵ nhẹ sẽ bị đột quỵ nặng hơn trong vòng một năm.
Vì thế, khi đã xác định được người bệnh có bị đột quỵ nhỏ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị và các biện pháp kiểm soát nguy cơ để ngăn ngừa đột quỵ nặng xảy ra trong tương lai. Các phương pháp điều trị đột quỵ nhẹ có thể được áp dụng bao gồm: (5)
1. Sử dụng thuốc
Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) nếu bị thiếu máu cục bộ cấp tính. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng các loại thuốc như:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu.
- Thuốc chống đông máu.
- Thuốc huyết áp.
- Statin.
2. Can thiệp mạch hoặc phẫu thuật
Phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học có thể phát huy hiệu quả tốt ở người bệnh đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính và tắc nghẽn động mạch. Để dự phòng đột quỵ tái phát, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh làm phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh.
3. Thay đổi lối sống
Để điều trị đột quỵ nhỏ, hạn chế tối đa nguy cơ đột quỵ tái phát, người bệnh cần xây dựng lối sống khoa học và theo dõi tình trạng sức khỏe. Nên ăn nhiều rau, hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo. Người bệnh cũng nên kiêng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích… và chú ý tập thể dục, vận động 15 - 30 phút mỗi ngày.
Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ nhỏ
Phòng ngừa đột quỵ nhỏ đặc biệt quan trọng để làm giảm nguy cơ đột quỵ và bảo vệ sức khỏe não bộ. Để hạn chế tối đa nguy cơ bị đột quỵ nhỏ, người bệnh cần chú ý:
- Kiểm soát đường huyết: Nếu bạn có bệnh tiểu đường, hãy tuân thủ chế độ ăn và sử dụng thuốc đúng cách để kiểm soát đường huyết.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định: Nếu bạn đang mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, bệnh rung nhĩ…, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị bệnh và kiểm soát những yếu tố nguy cơ. Cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Lối sống khoa học: Duy trì một chế độ ăn cân đối, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng và ngừng hút thuốc là các cách quan trọng để phòng ngừa đột quỵ nhỏ.
- Kiểm tra sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ: Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ để theo dõi sức khỏe tổng thể và điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần thiết. Ngoài ra, nên chủ động tầm soát đột quỵ để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang triển khai 4 gói tầm soát đột quỵ từ cơ bản đến chuyên sâu, phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Việc nhận biết sớm các triệu chứng đột quỵ nhẹ hay dấu hiệu đột quỵ nhẹ là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn hoặc ai đó có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Phản ứng nhanh có thể là yếu tố then chốt để làm giảm tối đa biến chứng đột quỵ. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hiện là địa chỉ uy tín giúp tầm soát, cấp cứu đột quỵ hiệu quả, nhờ áp dụng các kỹ thuật, máy móc hiện đại bậc nhất.