Cáo cụt đuôi
Một con Cáo bị mắc bẫy, sau nhiều lần giật mạnh đau đớn vùng vẫy thoát ra được, bèn chạy đi. Nhưng nó phải bỏ lại cái đuôi đẹp đẽ của nó lại trong bẫy.
Trong một thời gian dài, nó không dám gặp mặt những con Cáo khác, vì nó biết rất rõ rằng, tất cả lũ Cáo kia sẽ lấy nó làm trò cười, chế giễu và đùa cợt sau lưng nó. Nhưng nó sống một mình cũng khó, nó cuối cùng cũng nghĩ ra được một kế để giải quyết cái vấn đề hóc búa này.
Nó kêu gọi triệu tập một cuộc họp mặt tất cả lũ Cáo, nói rằng nó có một vài điều quan trọng cần phải nói cho cả làng biết.
Khi chúng đã đến tham dự đông đủ, con Cáo cụt đuôi đứng dậy và diễn thuyết một hồi rất lâu về việc những con Cáo đã mắc nạn chỉ vì cái đuôi của mình.
Ảnh minh họa.
Con này thì đã bị chó săn vồ vì khi chạy đuôi bị vướng vào bụi gai. Con kia thì không thể chạy đủ nhanh để thoát vì cái đuôi quá nặng nề.
Ngoài ra, như ai cũng đã biết, nó nói, rằng con người bây giờ đi săn Cáo cũng chỉ là muốn có được cái đuôi Cáo, họ cắt đuôi để treo làm chiến tích đi săn thú.
Với những chứng cứ về tính nguy hiểm và vô dụng của cái đuôi, Cáo Già nói, nó khuyên tất cả các con Cáo nên về cắt đuôi đi, nếu muốn được sống cho an toàn.
Khi nó vừa nói xong, một cụ Cáo đứng dậy, nói và cười mỉm:
“Lão Cáo, xin lão vui lòng quay mặt đi chỗ khác một chút, rồi chúng tôi sẽ trả lời lão.”
Khi con Cáo Cụt Đuôi tội nghiệp quay mặt đi, cả làng Cáo ồ lên cười và la ó, lúc đó Cáo Cụt Đuôi biết là có thuyết phục lũ Cáo kia bỏ cái đuôi của chúng thì cũng chẳng có ích gì nữa.
Bài học của gấu con
- Con chơi ngoan nhé. Nếu làm sai điều gì, con phải xin lỗi. Được ai giúp đỡ thì con phải cảm ơn.
Gấu con tung tăng chạy nhảy và mải lắng nghe chim Sơn Ca hót nên va phải bạn Sóc khiến giỏ nấm văng tung toé ra đất. Gấu con vội vàng khoanh tay và lễ phép nói:
- Cảm ơn bạn Sóc!
Nói xong Gấu con cúi xuống nhặt nấm bỏ vào giỏ giúp Sóc. Sóc ngạc nhiên nói:
- Sao Gấu con lại cảm ơn, phải nói xin lỗi chứ!
Ảnh minh họa.
Mải nhìn Khỉ mẹ ngồi chải lông cho Khỉ con nên Gấu con bị trượt chân, rơi xuống hố sâu. Gấu con sợ quá kêu thất thanh:
- Cứu tôi với! Ai cứu tôi !!!
Bác Voi ở đâu đi tới liền đưa vòi xuống hố và nhấc bổng Gấu con lên mặt đất. Gấu con luôn miệng:
- Cháu xin lỗi bác Voi, Cháu xin lỗi bác Voi!
Bác Voi cũng rất ngạc nhiên liền nói:
- Sao Gấu con lại xin lỗi, phải nói cảm ơn chứ!
Về nhà, Gấu con kể lại chuyện cho mẹ nghe. Gấu mẹ ôn tồn giảng giải:
- Con nói như vậy là sai rồi. Khi làm đổ nấm của bạn Sóc, con phải xin lỗi. Còn khi bác Voi cứu con ra khỏi hố sâu, con phải cảm ơn.
- Con nhớ rồi ạ! - Gấu con vui vẻ nói.
Trí khôn của ta đây
Ngày xưa Cọp có bộ lông màu vàng rất đẹp. Tuy nhiên, tính cọp nóng nảy, lại hay bắt các loài thú khác ăn thịt, nên loài vật nào cũng sợ. Ngay cả con người cũng luôn phải đề phòng mỗi khi thấy bóng dáng của Cọp.
Một hôm, Cọp ra bìa rừng, nhìn thấy anh nông dân đang cày ruộng. Thấy con Trâu to béo thỉnh thoảng bị anh nông dân vừa quát vừa quất cho mấy cái vào mông đau điếng mà không dám làm gì, vẫn hì hục kéo cày một cách ngoan ngoãn thì lạ lắm.
Cọp đợi đến buổi mở cày, Trâu được ra nghỉ ngơi gặm cỏ, còn anh nông dân lên bờ ăn cơm mới mon men lại gần hỏi:
- Này, tôi trông cậu to khỏe thế, sao lại chịu để cho Người đánh đập và bắt làm nô lệ như thế?
Trâu dừng nhai cỏ, ngước lên nhìn Hổ, nói nhỏ:
- Ấy, anh không biết à! Người nhìn tuy nhỏ bé yếu đuối thế thôi, nhưng họ có trí khôn đấy!
- Trí khôn ư? Trí khôn là cái gì thế? Tôi chưa nghe tới bao giờ?
Trâu không biết giải thích thế nào để Cọp hiểu, đành trả lời một cách qua quýt cho xong câu chuyện:
- Trí khôn là trí khôn chứ còn là cái gì nữa! Anh muốn biết rõ hơn thì hỏi Người ấy! Người đang ăn cơm và nghỉ ngơi ở trên bờ kia kìa.
Cọp ngoái sang nhìn anh nông dân theo hướng Trâu chỉ, mới nghĩ:
- Ừ, hay sang đấy hỏi Người, tiện thể xin một ít trí khôn ăn xem sao.
Thế rồi Cọp thong thả tiến lại chỗ anh nông dân.
Ảnh minh họa.
Lúc này anh nông dân đã ăn xong bữa cơm trưa, đang ngả lưng dưới gốc cây nghỉ ngơi cho mát. Nhìn thấy Cọp đến, anh giật mình hoảng sợ, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh.
Cọp hỏi:
- Tôi thấy Trâu bảo anh có trí khôn nên tò mò muốn biết. Vậy trí khôn của anh đâu, cho tôi nhìn thử một chút được không?
Anh nông dân ngớ người trước câu hỏi của Cọp, suy nghĩ giây lát rồi nói.
- Trí khôn tôi cất ở nhà. Để tôi về lấy cho Cọp xem nhé! Nếu Cọp thích, tôi sẽ tặng cho một ít mà dùng.
Cọp chưa kịp hỏi xin mà Người đã cho nên mừng lắm. Anh nông dân giả bộ đi về nhà. Nhưng được mấy bước, anh quay lại bảo Cọp:
- Tôi thấy không an tâm lắm! Nhỡ trong lúc tôi về lấy trí khôn, Cọp ở đây ăn thịt mất Trâu của tôi thì sao?
Cọp nói:
- Anh đừng lo, tôi sẽ ngồi đây đợi.
Đi được hai, ba bước, anh nông dân lại ngập ngừng dừng lại:
- Nói thật tôi vẫn thấy không an tâm được. Hay Cọp chịu khó để tôi trói tạm vào gốc cây này, rồi đi về lấy trí khôn. Nhỡ Cọp không giữ lời, ăn thịt mất Trâu của tôi thì tôi lấy gì mà cày ruộng tiếp.
Cọp nóng lòng muốn xem “trí khôn” nên bằng lòng để Người trói lại.
Anh nông dân bèn lấy dây thừng trói chặt Cọp lại. Xong xuôi, anh chất rơm rạ đầy xung quanh. Cọp lấy làm lạ, cất tiếng hỏi:
- Anh đang làm gì thế?
Anh nông dân cất tiếng cười ha hả. Vừa cười anh vừa châm lửa đốt đống rơm rạ, rồi quát lớn:
- Đây! Trí khôn của ta đây!
Lửa bén rất nhanh, Cọp hoảng sợ gào thét vang cả bìa rừng, cháy sém hết cả lông vàng óng đẹp.
Trâu đang gặm cỏ, nhìn thấy cảnh tượng ấy không nhịn nổi, bò lăn ra cười. Chẳng trượt chân, va vào tảng đá to gần đấy, gãy hết toàn bộ hàm trên.
Cọp bị lửa đốt nóng quá, cố giãy giụa không sao thoát được. Chỉ đến khi dây thừng bị cháy đứt, Cọp mới ba chân bốn cẳng chạy một mạch vào rừng, không cả dám quay đầu lại nhìn.
Từ đó về sau, trên người Cọp con nào sinh ra cũng có những vằn đen dài xen lẫn với màu lông vàng, vết tích của trận cháy do bị người đốt. Còn Trâu thì do bị va vào đá, nên không con nào có hàm răng bên trên cả.
Sự tích con gà trống có mào đỏ
Ngày xửa ngày xưa, cách đây lâu lắm rồi, khi trời đất vừa hình thành, thay vì có một mặt trời toả ánh nắng ấm áp xuống trần gian như bây giờ thì có tới sáu mặt trời cùng chiếu sáng trên bầu trời. Vào một ngày mùa xuân nọ, khi những người nông dân mất bao nhiêu thời gian vất vả cho việc gieo hạt giống cho vụ mùa thì trời không có lấy một giọt mưa. Sáu mặt trời cùng nhau chiếu những ánh sáng chói chang xuống mặt đất làm cho cây cối khô héo, đất đi nứt nẻ.
Lúc bấy giờ, hoàng đế Trung Hoa nhìn thấy cảnh tượng đó thì vô cùng đau lòng. Ông nói với các triều thần:
- Nếu mặt trời cứ tiếp tục chiếu sáng như thế này thì thần dân của ta sẽ chết hết thôi.
Nhà vua cho mời mười vị thông thái nhất đất nước đến hoàng cung cùng bàn bạc phương thức giải quyết cứu lấy vụ mùa của người dân. Bàn bạc rất lâu mà không ai đưa ra được một phương án khả thi nào. Bỗng một vị trưởng lão nói:
- Cách duy nhất là bắn mặt trời.
Những nhà thông thái khác đều đồng ý. Nhà vua rất mừng vì sau cùng đã có cách cứu mùa màng. Người cho các cận thần đi khắp nơi để tìm kiếm những tay cung thiện xạ và triệu họ về cung. Những người bắn cung thiện xạ đều rất khoẻ mạnh, người nào cũng mang theo một cây cung thật lớn trên vai, hãnh diện đến phụng sự đức vua vĩ đại.
Thế nhưng dù những tay cung này có khỏe đến mấy, giỏi đến mấy thì những mũi tên bắn ra chỉ đi được nửa đoạn đường đến chỗ mặt trời chiếu sáng. Những mặt trời tiếp tục chiếu xuống mặt đất nóng bỏng.
Sau đó, có những người ở phương xa đến mách rằng:
- Hoàng tử Hậu Nghệ ở vương quốc láng giềng là một tay cung thiện xạ. Hãy mời anh ta đến.
Ảnh minh họa.
Nhà vua sai các sứ giả sang nước láng giềng mời hoàng tử Hậu Nghệ đến hoàng cung. Hậu Nghệ vui vẻ nhận lời.
Dân chúng tụ họp thật đông dưới bầu trời để xem những mũi tên của Hậu Nghệ có bay đến mặt trời được không. Khi mọi người tụ họp lại vua ra lệnh:
- Hãy bắn rơi sáu mặt trời và cứu lấy thần dân của ta.
Hậu Nghệ nhìn sáu mặt trời rồi nâng cung lên, nhưng chàng buồn bã lắc đầu, hạ cung xuống, tâu với nhà vua:
- Sáu mặt trời ở xa quá, những mũi tên yếu ớt của thần không thể bay đến được.
Thế rồi Hậu Nghệ nhìn thấy sáu mặt trời chói chang phản chiếu trong hồ nước và chàng nghĩ: “Bắn chúng ở đó thì cũng vậy thôi”.
Chàng giương cung lên và mũi tên của chàng xuyên thủng mặt trời thứ nhất, nó biến mất trong đáy hồ. Chàng bắn tiếp mặt trời thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ năm.
Mặt trời thứ sáu nhìn thấy những gì đang xảy ra, nó hoảng sợ đến nỗi biến mất sau quả đồi. Mười vị trưởng lão rất hài lòng vì cả sáu mặt trời đều đã bị tống khứ đi.
Ngày hôm sau, khi mọi người thức dậy sau giấc ngủ dài thì không thấy ngày mới nữa, vì mặt trời thứ sáu không chịu ra khỏi chỗ nấp để chiếu sáng trở lại. Tất cả đều chìm trong bóng tối. Mười vị trưởng lão lại họp với nhau trong bóng tối, bàn bạc xem có thể làm gì. Họ quyết định tìm một người nào đó gọi mặt trời thứ sáu ra để có ngày mới.
Đầu tiên họ mang đến một con cọp, nó gầm rống để cho mặt trời thứ sáu ra ngoài, nhưng mặt trời thứ sáu chỉ thêm sợ hãi vì tiếng gầm của nó và nói:
- Ta sẽ không ra đâu.
Sau đó họ mang đến một con bò, nghĩ rằng với tiếng rống êm ái của bò chắc sẽ dụ được mặt trời thứ sáu ra. Nhưng mặt trời vẫn còn giận lắm, nó hờn dỗi nói:
- Ta sẽ không ra đâu, thế đó!
Cuối cùng, họ mang đến một con gà trống to khỏe đến gáy thì mặt trời thứ sáu lắng nghe và nói:
- Âm thanh này mới hay làm sao.
Nó lén nhìn qua chân trời để xem cái gì tạo ra âm thanh đó. Khi nó nhìn xuống thì mọi người hô vang những tiếng reo mừng, chào đón. Mặt trời thứ sáu thấy vui quá, nó bước hẳn ra ngoài và rồi tạo một cái mào màu đỏ, nhỏ nhỏ trên đầu chú gà trống to khỏe.
Từ đó trở đi vào mỗi buổi sáng, chú gà trống đều mang cái mào đỏ của mình đi gáy gọi mặt trời thức dậy.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Truyện cổ tích rất đa dạng và phong phú, có nhiều mẫu câu chuyện hay, ý nghĩa, cha mẹ có thể kể cho bé nghe để dạy con qua ý nghĩa hay giúp con ngủ ngon hơn mỗi tối.
Việc đọc truyện cho trẻ nên tạo thành một thói quen để cho bé tiếp thu được những bài học ý ngĩa đơn giản từ những câu truyện cổ tích.
Việc đọc truyện giúp trẻ tiếp thu được những bài học ý ngĩa, đơn giản từ những câu truyện cổ tích.