Dường như với tâm lý “hàng Trung Quốc nội địa, người Trung Quốc vẫn ăn bình thường thì mình cũng ăn được”, những con số hay chữ khác lạ không ảnh hưởng đến mối quan tâm của người tiêu dùng. Vì thế, nhiều người không ngại bỏ qua nguồn gốc, xuất xứ của những món hàng này mà vô tư mua về ăn.
Theo quan sát, trên bao bì, nhãn mác gói chân vịt cay nói riêng và hàng nội địa nói chung toàn bộ đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác về thành phần, hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra hạn sử dụng của những món này khá dài, đơn cử như chân vịt cay “thơm, ngon, giòn giòn” để cả năm trời cũng không sợ hỏng, ở nhiệt độ thường cũng được 9 tháng...
Theo một chuyên gia trong ngành hàng bán lẻ, thường hàng nội địa là hàng xách tay, không phải hàng nhập chính ngạch. Theo đó, sẽ không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Bởi, trên bao bì nhãn mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt.
“Còn cách quảng cáo hàng nội địa Trung Quốc, họ sản xuất cho người Trung Quốc dùng nên an toàn” là để cho họ dễ bán hàng vì được người mua tin tưởng. Song, chất lượng của những nguồn “hàng nội địa Trung Quốc” đến nay vẫn chưa có cơ quan nào kiểm soát được. Do đó, người tiêu dùng nên tỉnh táo, không nên quá tin vào những lời quảng cáo, đặc biệt là trên mạng facebook, nên mua hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng để tránh tiền mất tật mang, vị chuyên gia này cảnh báo.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, chân vịt cay là món ăn được chế biến từ chân vịt tẩm ướp gia vị, đem chế biến cho chín rồi đóng gói, hút chân không, bán ra ngoài thị trường. Với cách ướp gia vị đặc trưng, chân vịt cay rất hấp dẫn thực khách với hương thơm, mùi vị đặc trưng, vị giòn dai cuốn hút. Ngồi lai rai bên bạn bè, người thân, món ăn này được nhiều người lựa chọn cho cả buổi tụ tập.
Mặc dù vậy, suy cho cùng, chân vịt cay không có hàm lượng dinh dưỡng cũng như nhiều lợi ích sức khỏe. Với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công bố bảng thành phần cụ thể đến người tiêu dùng, chúng ta càng khó thẩm định sản phẩm có lành mạnh hay không, có tốt cho sức khỏe hay không.
"Chỉ có điều chắc chắn, đồ ăn như chân vịt cay có hạn sử dụng đến một năm thì cần sử dụng lượng lớn chất bảo quản, chất phụ gia. Với sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lượng chất bảo quản, chất phụ gia trong sản phẩm rất khó kiểm soát, không loại trừ nguy cơ có chất cấm dùng trong công nghiệp thực phẩm", chuyên gia khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, không cần nói đến chân vịt cay - thực phẩm được tẩm ướp gia vị, chất bảo quản, ngay cả chân vịt được chế biến ngay tại nhà cũng là những món ăn không giàu dinh dưỡng như nhiều người đang nghĩ. Xét về khía cạnh dinh dưỡng, chân gà, chân vịt đều chứa nhiều chất béo, dù là ai cũng không nên ăn nhiều. Đặc biệt với những người bị rối loạn chuyển hóa, rối loạn lipid máu, cao huyết áp tốt nhất không nên ăn những món ăn này.
Bên cạnh đó, chân vịt được chế biến ở nước ta hiện nay vẫn mang tính quy mô nhỏ lẻ. Muốn có số lượng chân gà, chân vịt dồi dào, người bán phải gom hàng từ nhiều nơi. Vì thế, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rất khó kiểm soát. Nguy cơ mua dùng phải chân vịt mắc bệnh là điều có thể xảy ra.
Chưa kể, quá trình thu gom trước khi đến tay người mua cần có thời gian nhất định, yêu cầu được bảo quản tốt. Lơ là điều này, chân vịt có thể bị hư hỏng. Ở trường hợp này, nhiều tiểu thương có hành vi gian lận thương mại, có thể tẩm ướp phù phép nguồn thực phẩm hư hỏng một cách tinh vi để bán ra thị trường như thường.
Do đó, ông Thịnh khuyên, tốt nhất không nên ăn chân gà, chân vịt cay không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với nguồn thực phẩm không đảm bảo như da chưa lột hết, hỏng hóc mốc meo thì càng phải loại bỏ ngay, đừng tiếc mà rước họa vào thân.
Nếu muốn ăn chân gà, chân vịt cay có thể mua chân gà, chân vịt ở nơi bạn hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi đem về nhà tự chế biến, ăn ngay. Chỉ có như vậy mới đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe, hạn chế tối đa các nguy cơ, rủi ro cho mọi thành viên trong gia đình.