Thông thường, với những đương đơn xin Visa theo diện công tác, Viên chức Lãnh Sự ngoài những câu hỏi thông thường về bản thân, cá nhân sẽ thường xoáy sâu vào các yếu tố công việc, trình độ,… của đương đơn. Trong một số trường hợp, họ cũng có thể chuyển sang phỏng vấn với bạn bằng tiếng Anh thay vi tiếng Việt như khi xin Visa du lịch thông thường. Những câu hòi thường gặp khi xin Visa Công tác Mỹ có thể được chia theo các dạng:
• Những câu hỏi cơ bản về cá nhân Đây là những câu hỏi mà bất kỳ một đương đơn nào khi Phỏng vấn Visa Mỹ đều có thể gặp phải. Những câu hỏi về bản thân, gia đình, về mục đích đi Mỹ, những sự chuẩn bị sơ lược trước khi bắt đầu chuyến công tác,… chủ yếu là để Viên chức Lãnh Sự có cái nhìn tổng quát hơn về bản thân bạn. Tuy nhiên, không phải vì đây là những câu đơn giản mà lại thiếu đi tầm quan trọng. Vì nếu bạn trả lời những câu hỏi này một cách sơ sài, thiếu thông tin hay không rõ ràng, Viên chức Lãnh Sự có thể sẽ nghi ngờ về những gì bạn khai. Hãy trả lời một cách trung thực, đầy đủ thông tin và tự tin trước những câu hỏi như thế này.
Một số câu hỏi Phỏng vấn Visa Mỹ mà bạn có thể sẽ gặp liên quan đến dạng này là:
1. Bạn sang Mỹ để làm gì? (Câu hỏi bắt buộc mà hầu như ai cũng sẽ được hỏi)
2. Bạn có người thân ở Mỹ không? (Câu hỏi để kiểm tra xem bạn ngoài nơi công tác còn có thể đến nơi nào khác ở Mỹ nữa không)
3. Bạn có gia đình chưa? (Câu hỏi về cá nhân bạn. Nếu bạn đã có gia đình đây sẽ là lợi thế cho việc xin Visa của bạn)
4. Bạn đã đặt vé khứ hồi chưa? (Câu hỏi để kiểm tra xem bạn đã chuẩn bị lịch trình đi / về của chuyến đi hay chưa)
5. Ai sẽ coi sóc tài sản/công việc/ nhà cửa/ gia đình của bạn trong lúc bạn đi Mỹ? (Câu hỏi để kiểm tra xem bạn đã sắp xếp kỹ càng về chuyến đi Mỹ của mình hay chưa)
6. Đây có phải là lần đầu tiên bạn xin Visa Mỹ không? (Câu hỏi để kiểm tra thông tin cá nhân thông thường, bạn chỉ cần trả lời thành thật là “Có” hoặc “Không”)
• Những câu hỏi về công việc tại Việt Nam Những câu hỏi liên quan đến phần này thường khá quan trọng vì nó sẽ giúp Viên chức Lãnh Sự có cái nhìn tổng quát và chính xác về công việc hiện tại của đương đơn, từ đó đánh giá xem công việc này có thực sự ổn định và có khả năng để đươc xem xét đi công tác / đi học ở nước ngoài hay không. Vì tính chất công việc của Lãnh Sự Quán là luôn xem xét và kiểm tra tất cả các yếu tố để đánh giá một người ngoại quốc nhập cảnh vào Mỹ có ý đồ trốn lại hay không, nên họ sẽ phải tìm hiểu kỹ tất cả các mặt của một đương đơn trước khi đưa ra quyết định cụ thể. Trong trường hợp này, người xin Phỏng vấn Visa Mỹ có ý định vào Mỹ để phục vụ cho mục đích công việc, nên Lãnh Sự Quán sẽ chú ý hơn về những yếu tố công việc của người này. Đối với những câu hỏi về công việc, bạn cần lưu ý ngoài việc trả lời một cách trung thực, còn phải đưa ra những câu trả lời chính xác và cặn kẽ. Bởi Viên chức Lãnh Sự muốn tìm hiểu kỹ hơn về những thông tin đó, nên nếu câu trả lời của bạn không chứa đựng đủ thông tin hay chỉ nói vắn tắt, phần phỏng vấn của bạn cũng không được đánh giá cao.
Đây là một số Câu hỏi Phỏng vấn Visa Mỹ về công việc thường gặp mà bạn có thể tham khảo: 7. Bạn làm gì ở Việt Nam? (câu hỏi về nghề nghiệp hiện tại của bạn) 8. Nghề nghiệp cụ thể của bạn là gì? (khi gặp câu hỏi này, bạn nên trình bày chi tiết về vị trí, bộ phận mà bạn đang làm cho viên chức lãnh Sự) 9. Mô tả sơ lược về công việc của bạn ở Việt Nam? (bạn phải trình bày sơ lược về quá trình làm việc của bạn. Đây là câu hỏi tuy đơn giản nhưng có tính chất quan trọng để kiểm tra xem bạn có thực sự đang làm việc trong lĩnh vực mà bạn đã khai hay không) 10. Địa chỉ công ty của bạn ở Việt Nam là ở đâu? (câu hỏi kiểm tra thông tin thông thường, bạn chỉ cần trả lời đầy đủ và chính xác địa chỉ công ty, gồm số, tên đường, phường / xã, quận / huyện, tỉnh / thành phố) 11. Bạn đã làm việc tại công ty hiện tại bao lâu rồi? 12. Bạn có từng làm cho một công ty nào khác trước đây chưa? 13. Bạn đã làm việc trong ngành nghề hiện tại được bao lâu? 14. Chức vụ của bạn trong công ty là gì? (4 câu hỏi này chỉ mang tính chất kiểm tra thông tin của đương đơn, bạn chỉ cần trả lời chi tiết và đúng sự thật) 15. Bạn đã từng đi làm/công tác ở nước ngoài bao giờ chưa? (câu hỏi để kiểm tra lịch sử công tác nước ngoài, bạn chỉ cần trả lời đơn giản và thành thật) 16. Bạn có thể kể tên một vài đồng nghiệp của bạn không? (Lãnh Sự Quán sẽ có nhiều cách khác nhau để dò hỏi và xác thực về công việc của bạn, mà đây là một trong những câu hỏi như vậy. Trừ khi bạn đang khai không đúng sự thật về công việc, bạn chỉ cần trả lời đúng với ý câu hỏi là được) • Những câu hỏi về thu nhập, tài sản Yếu tố thu nhập, tài sản luôn được Lãnh Sự Quán quan tâm đối với bất kỳ đương đơn nào muốn xin Visa Mỹ. Vì dù cho bạn muốn nhập cảnh vào Mỹ để làm gì, bạn cũng cần phải có môt tài chính đảm bảo để chi trả cho chuyến đi, cùng với một số những tài sản có giá trị để chắc chắn rằng sau khi chuyến đi Mỹ kết thúc, bạn sẽ quay trở về quê nhà. Trong phần trả lời cho những câu này, bạn cần lưu ý những câu trả lời về mức lương, thu nhập cần phải chính xác với những gì bạn đã khai trong Form DS-160, đồng thời các khoản thu này cũng phải có giấy tờ để minh chứng. Vì trong một số trường hợp, Viên chức Lãnh Sự sẽ yêu cầu bạn phải trình ra những giấy tờ, hóa đơn về thu nhập để họ xem xét. Nên nếu bạn có những nguồn thu bên ngoài mà không đóng thuế, bạn không nên liệt kê ra mà chỉ nên trình bày khoản thu nhập mà bạn có thể chứng minh được thông qua giấy tờ, hóa đơn.
Đây là một số câu hỏi thường gặp: 17. Thu nhập của bạn hàng tháng / hàng năm là bao nhiêu? (Bạn cần lưu ý đưa ra con số chính xác, không nên đưa ra con số ước lượng) 18. Bạn có sở hữu thẻ tín dụng không? (câu hỏi để kiểm tra rằng bạn có khả năng chi tiêu trong thời gian ở Mỹ thông qua ngân hàng. Bạn cần làm thẻ tín dụng trước khi xin Visa Mỹ để có thể chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề này. Một câu trả lời “có” có thể sẽ ghi điểm cho bạn) 19. Bạn có đóng thuế đều đặn không? (đây cũng là câu hỏi “ghi điểm”, vì bạn sẽ có thêm lợi thế trong khi phỏng vấn nếu trả lời là “có”. Tuy nhiên, nếu bạn chưa đóng thuế thì nên trả lời thành thật và đưa ra lý do hợp lý với Viên chức Lãnh Sự.) 20. Bạn có đứng tên ngôi nhà / tài sản nào tại Việt Nam không? (câu hỏi kiểm tra khả năng tài chính của bạn, chỉ cần trả lời thành thật những tài sản có giá trị mà bạn đang sở hữu) 21. Bạn có đang sở hữu bất động sản hay cơ sở kinh doanh ở nước ngoài không? (đây cũng là một câu hỏi kiểm tra khả năng tài chính) 22. Mức lương của bạn hiện tại là trước hay sau thuế? (câu hỏi để kiểm tra thông tin và là cách để họ xem bạn có đang khai không đúng sự thật về mức lương của bản thân không) • Những câu hỏi về trình độ học vấn Vì tính chất chuyến đi Mỹ của bạn là liên quan đến công việc, nên những thông tin về trình độ học vấn, học vị của bạn cũng sẽ thường được các Viên chức Lãnh Sự quan tâm. Vì việc bạn được công ty cử đi tham dự một khóa đào tào hay một hội thảo nào đó ở Mỹ sẽ chứng tỏ rằng bạn phải có một trình độ, một sự hiểu biết nhất định để có thể hiểu và tiếp thu được nội dung của buổi hội thảo, khóa học. Bạn chỉ cần trả lời một cách tự tin và thành thật với những câu hỏi này, bởi Viên chức lãnh Sự chỉ đang đơn thuần muốn tìm hiểu về học vấn của bạn chứ không hề có ý định nào khác.
Viên chức lãnh Sự sẽ thường đặt ra những câu hỏi như sau: 23. Học vị cao nhất mà bạn đã từng đạt được là gì? (bạn chỉ cần trả lời về bậc học cao nhất của bạn, cùng chuyên ngành của bạn. Ví dụ như: “Tôi tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ sư xây dựng.”) 24. Bạn có thể mô tả quá trình học vấn của bạn được không? (với câu hỏi này, bạn cần kể rõ mình đã từng học ở đâu một cách chính xác và ngắn gọn nhất. Càng những bậc học cao hơn, bạn càng phải trình bày chi tiết) 25. Bạn tốt nghiệp đại học ngành gì? (Câu hỏi này chỉ để kiểm tra về chuyên ngành bạn học trước đây. Bạn chỉ cần trả lời thành thật và ngắn gọn) 26. Bạn tốt nghiệp cử nhân ngành thương mại, vậy tại sao bạn lại công tác trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn? / Vì sao công việc của bạn hiện tại khác với ngành học của bạn trước đây? (tuy câu hỏi này có phần đặc biệt, nhưng thực chất Viên chức Lãnh Sự chỉ đang thắc mắc về việc bạn làm trái ngành. Bạn chỉ cần giải thích một cách chân thực để họ hiểu là được.) • Những câu hỏi về chuyến công tác Nếu bạn xin Visa Mỹ với mục đích công tác, thì đây được xem như phần quan trọng nhất mà Viên chức Lãnh Sự sẽ tập trung để phỏng vấn bạn. Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra để Lãnh Sự Quán kiểm tra xem bạn có thực sự nắm rõ toàn bộ những gì liên quan xoay quanh chuyến công tác hay khóa học này không. Vì đây là một chuyến công tác chứ không phải là chuyến du lịch thông thường, nên những thông tin về lịch trình, dự định, nội dung,… đều sẽ được quan tâm và đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu rõ. Cách tốt nhất để bạn có thể trả lời những câu hỏi trong phần này tốt nhất chính là nắm rõ những thông tin về những gì mình sẽ đến, sẽ làm, sẽ trải qua trong suốt quá trình tham dự hội thảo / khóa đào tạo tại Mỹ. Vì tùy theo từng tính chất công việc, Viên chức Lãnh Sự sẽ lựa chọn ra những câu hỏi khác nhau để phỏng vấn bạn. Ngoài ra, việc chi trả những khoản phí trong thời gian bạn công tác cũng là điều mà Lãnh Sự Quán Mỹ quan tâm. Họ sẽ ưu tiên hơn với những chuyến công tác hay khóa học do công ty của đương đơn chịu toàn bộ chi phí, vì điều này sẽ thể hiện tính chất quan trọng của chuyến công tác, cũng như đảm bảo rằng mục đích sang Mỹ đi công tác mà đương đơn đã khai để xin Visa Mỹ là đúng sự thật.
Những câu hỏi mà Viên chức Lãnh Sự thường đặt ra cho các đương đơn về chuyến công tác bao gồm: 27. Địa chỉ nơi công tác của bạn ở Mỹ? (Bạn cần trả lởi chi tiết về công ty hay hội trường nơi bạn sẽ tham dự buổi họi nghị, chuyến công tác, bao gồm cả số nhà, tên đường, khu vực, tỉnh, thành phố, bang,…) 28. Bạn có thể cho tôi xem lịch trình công tác của bạn ở Mỹ không? (Bạn cần chuẩn bị chi tiết lịch trình những ngày mà bạn đi Mỹ để công tác. Một số Viên chức Lãnh Sự sẽ yêu cầu bạn kể về lịch trình thay vì xem trên giấy, lúc này bạn không cần phải kể chi tiết như bản lịch trình soạn sẵn, nhưng bạn cần nắm những sự kiện chính của buổi hội thảo hay việc làm chính trong chuyến công tác để có thể trình bày cho Lãnh Sự Quán.) 29. Bạn có dự định sẽ ghé thăm bạn bè/người thân của bạn khi ở Mỹ không? (Câu hỏi này chỉ mang tính chất kiểm tra thông tin thông thường, nhưng bạn nên trả lời là “Không” vì nếu bạn có dự định sẽ thăm người thân, bạn bè của mình ở Mỹ trong quá trình công tác hay sau khi hoàn thành công việc, bạn nên nói rõ điều này ngay khi Viên chức Lãnh Sự hỏi câu đầu tiên “Bạn đi Mỹ để làm gì?.”) 30. Bao nhiêu người trong công ty của bạn sẽ đi Mỹ công tác cùng với bạn? (Đây cũng là một câu hỏi để xác nhận thông tin, bạn chỉ cần trả lời ngắn gọn những gì bạn nắm rõ về những đồng nghiệp sẽ cùng đi với bạn, hoặc nếu bạn là người duy nhất được cử đi, hãy trình bày rõ với Lãnh Sự Quán.) 31. Ngoài mục đích công tác, bạn còn có dự định tham gia khóa học nào ở đây không? (Thông thường, nếu bạn có dự định thực hiện việc gì hay học thêm một lớp nào đó ngoài những lịch trình công tác chung tại Mỹ, hãy trình bày rõ ràng điểm này trong lịch trình, hay tốt hơn là ngay khi được hỏi “Bạn đi Mỹ để làm gì?”. Việc bạn kể thêm về một hoạt động mà trong lịch trình chưa đề cập sẽ khiến Viên chức Lãnh Sự nghi ngờ việc đi Mỹ của bạn.) 32. Bạn có thể nói chi tiết về cuộc họp sắp tới mà bạn sẽ tham dự ở Mỹ không? (Bạn cần kể ra những mục tiêu, vấn đề chính mà buổi hội nghị bạn tham dự ở Mỹ sẽ đề cập đến, bởi Lãnh Sự Quán đang muốn kiểm tra thử bạn đang nắm rõ về mục đích chuyến đi của mình như thế nào) 33. Tôi có thể xem thư mời họp của bạn không? (Bạn cần chuẩn bị sẵn thư mời họp của đối tác hay công ty tại Mỹ trong hồ sơ bồ sung, để có thể đưa ra cho Lãnh Sự Quán kiểm tra.) 34. Đối tác của bạn ở Mỹ tên gì? (Bạn chỉ cần đơn giản trình bày tên công ty ra cho Viên chức Lãnh Sự. Đôi khi, bạn sẽ tạo được thiện cảm hơn nếu Viên chức Lãnh Sự biết về công ty của bạn.) 35. Công ty mà bạn sẽ đến ở Mỹ có mối quan hệ gì với công ty của bạn ở Việt Nam? (Đây là điều mà bạn cần phải hỏi trước với cấp trên nắm rõ trước khi Phỏng vấn Visa Mỹ, vì Lãnh Sự Quán có thể hỏi về bất kỳ điều gì liên quan đến việc công tác của bạn, trong đó mối quan hệ giữa hai công ty cũng là vấn đề có thể sẽ được đề cập.) 36. Đối tác của bạn đang làm trong lĩnh vực nào? (Cũng tương tự với câu trên, bạn cần phải nắm rõ điều này trước khi vào phỏng vấn.) 37. Ai sẽ chi trả các khoản phí cho chuyến công tác của bạn? (Lãnh Sự Quán sẽ ưu tiên hơn cho những trường hợp đương đơn được công ty thanh toán toàn bộ chi phí cho chuyến công tác sang Mỹ, nhưng nếu bạn phải tự chi trả thì cũng không sao cả, hãy trả lời một cách trung thực. Nếu tự trả phí để tham gia hội thảo, bạn nên giải thích lý do cho Viên chức Lãnh Sự biết vì sao bạn phải làm như vậy.) 38. Bạn sẽ có được lợi ích gì sau khi hoàn thành khóa học / tham dự buổi hội thảo này ở Mỹ? (Câu hỏi này tuy đơn giản nhưng lại mang tính chất quan trọng, vì việc bạn sẽ học hỏi hay thu lại được lợi ích gì sau chuyến đi sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho mục đích chuyến đi của bạn. Khi bạn được cử đi hoặc quyết định tahm dự một buổi hội nghị xa xôi tận nửa vòng Trái Đất, nhưng lại không hề có mục tiêu nào rõ ràng có thể sẽ làm Viên chức Lãnh Sự nghi ngờ về tính xác thực chuyến đi của bạn.)
• Những câu hỏi đặc biệt để kiểm tra đương đơn Trong vòng phỏng vấn Visa Công tác Mỹ, ngoài những câu hỏi thông thường, đôi khi Viên chức Lãnh Sự cũng sẽ đặt ra những câu hỏi có phần “khó nhằn” nhằm kiểm tra những yếu tố hoặc phản ứng của đương đơn. Tùy vào mỗi người mà Lãnh Sự Quán sẽ đặt ra những câu hỏi khác nhau và cách trả lời cho từng câu hỏi là khác nhau. Sau đây là một số câu hỏi thường gặp: 39. Bạn sẽ làm gì nếu được ai đó đề nghị ở lại làm việc tại Mỹ? Câu hỏi này thường được Viên chức Lãnh Sự sử dụng để kiểm tra xem đương đơn có ý định muốn lưu trú tại Mỹ sau khi hoàn thành xong công việc hay không. Điểm đặc biệt của câu hỏi là việc họ đưa ra cho bạn một cơ hội - tức là việc bạn được một ai đó đề nghị ở lại Mỹ làm việc là hoàn toàn có thể xảy ra và cũng không có gì là không chính đáng, trừ việc điều này sẽ không đúng với tính chất loại Visa Mỹ mà bạn xin (Visa công tác ngắn ngày, sau khi hoàn thành công việc sẽ ngay lập tức trở về Việt Nam). Nên trong câu hỏi này, việc bạn đưa ra một câu trả lời phủ định hoàn toàn, theo dạng “Tôi chắc chắn sẽ không ở lại Mỹ sau khi lịch trình kết thúc.” Sẽ khộng khiến cho Viên chức Lãnh Sự tin tưởng. Bạn cần trả lời một cách khéo léo, khẳng định rằng việc được mời làm việc tại Mỹ có thể là mọt cơ hội tốt, nhưng nhấn mạnh vào những gì bạn đang có ở Việt Nam, để khiến cho người phỏng vấn tin rằng chắc chắn sau chuyến đi, bạn sẽ trở về. 40. Tôi có thể có danh thiếp của bạn không? Đây là một câu hỏi khá thông thường nhưng lại khiến cho nhiều đương đơn gặp phải bất ngờ hay bối rối vì không có sự chuẩn bị trước. Khi bạn là một nhân viên cao cấp hoặc lãnh đạo của một công ty, bạn cần phải mang theo danh thiếp bên mình, hoặc ít nhất là chuẩn bị sẵn một bản để có thể đưa cho Nhân viên Lãnh Sự xem khi được yêu cầu. Đôi khi, Lãnh Sự Quán không yêu cầu bạn phải đưa ra bất kỳ hồ sơ bồ sung nào, mà chỉ muốn xem danh thiếp của bạn, vì trong đó có chứa đầy đủ các thông tin về công việc của bạn, từ tên và địa chỉ công ty, chức vụ, số điện thoại, hộp mail cũng như các thông tin cần thiết khác. 41. Vì sao công ty lại chọn bạn để tham gia chuyến công tác này thay vì những người khác? Câu hỏi này tuy có phần đặc biệt, nhưng việc trả lời lại khá đơn giản. Vì khi bạn được cử đi để tham dự hội thảo / khóa học, bạn đã phải nắm rõ những thế mạnh của mình để có thể có được suất tham dự ấy. Nên khi gặp phải câu này, bạn chỉ cần trình bày một cách súc tích những thế mạnh khiến bản thân phù hợp với chuyến đi, để Viên chức Lãnh Sự tin tưởng ở bạn. 42. Tầm quan trọng của bạn trong buổi hội thảo này là thế nào? Bạn có nhất thiết phải đến buổi hội thảo này không? Cũng tương tự như câu hỏi ở trên, nhưng lần này, điều bạn cần chứng minh với Viên chức Lãnh Sự là những lợi ích mà bạn và công ty bạn sẽ có được sau khi tham dự buổi hội thảo / cuộc họp và tầm quan trọng mà sự kiện này đối với bạn. Hoặc nếu có thể, bạn hãy thể hiện rằng mình có một vai trò gì đó hoặc là một đại diện mang tính quan trọng trong sự kiện này. Hãy trả lời một cách súc tích để gây ấn tượng với người phỏng vấn. 43. Bạn từng đến những quốc gia trước đây để làm gì? Lịch sử du lịch là một yếu tố luôn được các Viên chức lãnh Sự quan tâm khi Phỏng vấn Visa Mỹ. Nên dù cho việc bạn xin Visa Mỹ là để đi công tác, bạn vẫn có thể được hỏi về những quốc gia mà mình từng ghé đến trước đây. Bạn cần liệt kê những quốc gia mình đã từng ghé thăm cùng với mục đích của từng chuyến đi, là du lịch, du học hay công việc. Bằng cách này, họ còn có thể tìm hiểu thêm rằng bạn có phải là người hay đi công tác ở nước ngoài hay không - vốn sẽ có thể là một điểm cộng trong hồ sơ xin Visa Mỹ của bạn mà trong tờ khai hay hộ chiếu không thể thể hiện ra được. 44. Khi nào thì bạn sẽ kết thúc hợp đồng lao động với công ty của bạn? Đây là một trong những câu hỏi đặc biệt mà đôi khi Lãnh Sự Quán sẽ đặt ra, với mục đích kiểm tra mức độ gắn bó của bạn với công ty. Đặc biệt là khi công ty đang có ý định cử bạn đi công tác hay dự hội thảo ở nước ngoài, điều này cũng đồng nghĩa rằng bạn phải có mọt sự gắn bó đặc biệt với công ty ấy, hoặc là một nhân viên sẽ có khả năng đồng hành lâu dài với cơ quan mà bạn đang công tác. Nên nếu bạn là một nhân viên ngắn hạn, chỉ có hợp đồng lao động 6 tháng nhưng lại được cử đi công tác thì điều này sẽ có vẻ không hợp lý. 45. Bạn dự định sẽ làm gì sắp tới? Câu hỏi này được Viên chức Lãnh Sự đề ra với mục đích tìm hiểu những dự định sau chuyến đi công tác của bạn, vì họ cho rằng việc bạn đã lên kế hoạch sau khi đi Mỹ trở về sẽ là minh chứng rằng bạn sẽ quay trở về Việt Nam. Bạn cần chuẩn bị sẵn một kế hoạch sơ lược về những dự định trong tương lai, rằng bạn sẽ đi Mỹ về rồi sau đó tiếp tục làm gì, để gặt hái được điều gì,… Viên chức Lãnh Sự sẽ ấn tượng và có thêm niềm tin vào chuyện quay trở về của bạn khi được nghe một kế hoạch hợp lý.
46. Bạn có đang dự định đổi công việc không? Đối với câu hỏi này, bạn tuyệt đối phải trả lời là “Không”. Vì lý do mà Lãnh Sự Quán đặt ra câu hỏi này là để kiếm tra sự gắn bó của bạn với công ty. Việc bạn đi học hay dự hội thảo để cải thiện CV bản thân, tìm kiếm một cơ hội việc làm mới có thể khiến Lãnh Sự Quán nghi ngờ và không tin ở bạn. Vì nếu bạn đã có ý định ra đi khỏi công ty cũ, biết đâu bạn sẽ tìm kiếm cơ hội mới tại Mỹ. Chính vì vậy, bạn phải tìm ra những lý lẽ thuyết phục người phỏng vấn rằng bạn sẽ còn muốn gắn bó tiếp tục với công ty hiện tại, ít nhất là trong một thời gian nữa. 47. Ngoài tiền lương ra, bạn còn khoản thu nhập bên ngoài nào khác không? Trong trường hợp gặp phải dạng câu hỏi này, nếu bạn còn một khoản thu nhập đáng kể nào ở bên ngoài mà có thể dùng cách nào đó minh chứng được, bạn có thể trả lời cho Viên chức Lãnh Sự biết. Nhưng bạn nên liệt kê toàn bộ các khoản thu nhập có thể chứng minh được của bạn ra ngay từ lúc khai tờ khai, vì những thu nhập không được chứng minh hoặc việc khai các thông tin tài chính không khớp nhau có thể khiến Lãnh Sự Quán nghi ngờ bạn. Nên điều quan trọng trong việc trả lời, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính phải là sự trùng khớp giữa các thông tin. 48. Tôi có thể đến thăm / liên hệ với công ty của bạn được không? Lãnh Sự Quán Mỹ hoàn toàn có thể liên hệ với công ty của bạn để xác thực các thông tin cần thiết. Nên câu hỏi này chủ yếu là mang tính chất kiểm tra và gậy bối rối với những người có vấn đề về lời khai trong công việc. Nếu bạn thực sự đang công tác tại công ty, bạn chỉ cần đồng ý và chào đón họ đến nơi bạn làm việc. 49. Bạn có chắc không? Sau những câu trả lời của bạn, Viên chức Lãnh Sự có thể sẽ hỏi câu này để kiểm tra kỹ xem bạn có đang trả lời đúng sự thật không, sau đó dựa vào thái độ và câu trả lời tiếp theo của bạn mà đánh giá. Câu hỏi này sẽ rất có tác dụng, đặc biệt là với những đương đơn có câu trả lời không đúng sự thật, họ sẽ có phản ứng giật mình, ấp úng, thiếu tự nhiên. Chính vì vậy, lưu ý đầu tiên là bạn cần phải luôn trả lời dựa trên sự thật. Và nếu gặp phải câu hỏi này từ phía người phỏng vấn, bạn nên khẳng định lại rằng mình chắc chắn và lặp lại ý mà mình vừa trả lời lúc nãy. Nếu cần thiết, bạn có thể giải thích sâu hơn một chút về ý mà mình đã trình bày. Thái độ của bạn lúc này cũng là rất quan trọng vì Viên chức Lãnh Sư có thể sẽ chú ý vào điều đó. Bạn nên giữ một phong thái thật bình tĩnh, tự tin trước những gì mình trình bày. 50. Bạn có đang mắc bệnh gì không? Tuy không thật sự liên quan đến vấn đề công việc, nhưng vấn đề sức khỏe của bạn cũng sẽ là yếu tố để Lãnh Sự Quán quyết định bạn có được nhập cảnh vào Mỹ hay không. Vì nếu sức khỏe của bạn không tốt, bạn sẽ cói nhiều khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe, mắc bệnh và thậm chí là nhập viện trong thời gian ở Mỹ. Đây là điều không ai mong muốn và Lãnh Sự Quán Mỹ cũng vậy. Nên bạn cần phải chuẩn bị một sức khỏe tốt, để đảm bảo mình sẽ không mắc phải bệnh gì trước chuyến hành trình đến Mỹ.
Trên đây là bộ 50 câu hỏi phỏng vấn thường gặp đối với Visa công tác Mỹ. Việc hiểu và biết cách trả lời chính xác sẽ giúp các bạn tăng tỷ lệ thành công đậu Visa. Để đảm bảo hiệu quả cao nhất, những người đang có nhu cầu xin thị thực công tác Mỹ có thể nhờ sự hỗ trợ tư vấn từ đội ngũ tư vấn viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao của Du Học Á - Âu, chắn chắn sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi đối diện với viên chức lãnh sự. Nếu cần thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline ???? ?? ?? ?? hoặc đặt lịch hẹn tại đây để được hỗ trợ chu đáo nhất!