Hôm qua, mình được một cô giáo đồng nghiệp gửi cho 6 trái bắp nếp vừa bẻ ngay trong vườn nhà. Bắp đầu mùa, nhựa còn đang đọng, vỏ thì xanh mượt, hạt mây mẩy, căng mọng sữa trắng bên trong. Bẻ lớp vỏ ra, cứ thế vừa nhặt mớ râu bắp mịn như nhung vừa ít hà hương bắp nếp ngọt ngọt, thơm mát thật thích. Bắp sữa thế này thì chỉ muốn luộc lên ăn ngay cho nóng, nhưng đã hứa với cô “để chị nấu chè rồi ghi công thức lại cho” nên 10h tối còn ngồi xát bắp nấu chè thế này đây 🙂
Mình nấu chè bắp theo kiểu người Huế, tức là bắp phải xát mỏng rồi nấu với nước cốt dừa, lá dứa và một ít nếp còn trong này - tức là nơi đang sống - người ta nấu chè bắp để nguyên hột, nấu chín tới rồi thêm đường và nước sôi, sau đó khuấy chè với bột năng hoặc bột sắn dây cho bột trong lên như kiểu chè hoa cau vậy. Nhìn chén chè bắp trong veo loáng thoáng cả mấy sợi râu bắp cũng ngộ ngộ, nhưng ăn thì mình không thích lắm. Chắc có lần rủ nhau đi ăn chè, nghe mình kể về chè bắp kiểu Huế nên cô để tâm đây mà ! ^^
Cách nấu:
- 500gr bắp tươi đã xát mỏng (6 trái bào được hơn 500gr một chút, mình ghi 500gr cho dễ hình dung) - 500gr dừa nạo - 200gr đường cát trắng - 2 muỗng canh sữa đặc có đường - 2 muỗng canh bột năng (bột đao) - Một nắm nếp thơm, vài cọng lá dứa và một chút muối
1. Nấu 2 lít nước sôi, cho dừa nạo vào nồi to, đổ 500ml nước sôi, vắt lấy nước cốt dừa, để riêng ra tô.
2. Cho tiếp xác dừa vào nồi, đổ thêm 1 lít nước sôi, vắt lấy nước dão (1), để riêng ra tô khác.
3. Lại cho xác dừa vào nồi, đổ thêm 500ml nước sôi, vắt lấy nước dão (2), cũng để riêng.
4. Vo sạch nếp, cho vào nồi nhỏ, nêm vào 1/3 mcf muối và 1 bó lá dứa nhỏ rồi đổ hết 500ml nước dão dừa (2) vào, nấu chín như cháo đặc. Vớt bỏ lá dứa.
5. Bắp sau khi xát mỏng, cho vào nồi cùng 1 lít nước dão dừa (1), nấu lửa vừa, vừa nấu vừa khuấy đều tay cho đến khi bắp chín mềm, trong veo là đạt.
* Lưu ý: Bắp đã xát và nước dừa rất dễ cháy hoặc khê nên không được tự ý “giao nồi cho ông táo”, phải khuấy liên tục nên sẽ hơi mỏi tay 😀
6. Khi bắp đã chín mềm, cho hết 150gr đường cát vào nồi, khuấy vài vòng cho đường tan ra rồi nêm thêm 2 muỗng canh sữa đặc. Sữa làm cho chè sau khi nấu, để nguội sẽ thơm lừng mùi sữa bắp, rất hấp dẫn.
* Lưu ý: Với 150gr đường và 2 muỗng canh sữa đặc thì chè CHỈ VỪA ĐỦ NGỌT thôi, muốn ngọt hơn nên tự thêm đường cho vừa khẩu vị.
7. Khi đường đã tan hoàn toàn thì cho hết nếp đã nấu chín vào, nấu sôi trở lại. Nếu thấy chè đặc thì nêm thêm một chút nước lọc.
8. Cho 1 muỗng canh bột năng vào 1/2 chén nước nguội, khuấy thật đều tay cho bột tan hoàn toàn, nêm thêm 1/3 mcf muối vào chén bột rồi từ từ rót hết bột vào nồi chè đang nấu.
9. Vặn nhỏ lửa, khuấy đều tay đến khi bột chín kỹ thì tắt bếp.
10. Nấu nước cốt dừa: Cho vào nồi nước cốt dừa 50gr đường + 5gr muối tinh (1 muỗng cà phê gạt ngang mặt) +1 muỗng canh bột năng và vài nhánh lá dứa, khuấy đều tay để nước cốt dừa không bị lợn cợn “óc trâu” - Khi nước cốt đã sánh lại, sôi lục bục chừng 3-5 phút là xong.
Múc chè ra chén, chan thêm 1 muỗng cốt dừa lên trên. Với mình, chè bắp ăn nguội bao giờ cũng ngon hơn ăn nóng.
TẬP CHỤP HÌNH
Nấu chè thì dễ ẹc mà chụp hình thì khó trần ai !!! Mình đang thử tìm cách chụp hình sao cho ổn vì mình luôn phải chụp hình trong bếp vào buổi tối, hoàn toàn thiếu ánh sáng tự nhiên, lại chỉ có mỗi đèn tuýp ánh sáng trắng nên hình hay bị tái tái, nhợt nhạt. Giá mà tìm ra cách chụp ảnh có nước màu vàng nâu ấm áp thì tốt quá … Mình dùng máy ảnh Nikon Coolpix p510, máy tốt nhưng là dòng máy compact thôi, không lắp thêm lens được. Mong có ai biết thì chỉ cho mình thêm kinh nghiệm hoặc gợi ý cho mình cách chụp với nhé. Mình cám ơn rất nhiều.
1.
2.
3.
4.
5.