Cách mạng Việt Nam với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã “mở đầu quá trình sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đang sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới vùng dậy đấu tranh giành quyền độc lập và tự do”.
Riêng đối với các nước châu Phi, “giá trị quốc tế” của yếu tố mở đầu này lại càng có ảnh hưởng rõ nét. Hệ thống thuộc địa hoàn chỉnh của Pháp đã bị Việt Nam phá vỡ khâu quan trọng, tất yếu phản ứng dây chuyền sẽ nổ ra. Chính điều đó từ trước bọn thực dân cũng đã phải thú nhận: “Nếu để mất Đông Dương, tất sẽ nhanh chóng kéo theo một cuộc vùng dậy ở Bắc Phi”. Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương Raoul Salan cũng nhận xét tương tự: “Chính vì mất Đông Dương mà nền móng đế quốc Pháp bị sụp đổ”. Và khi nhân dân Việt Nam đã chiến thắng thì cũng có nghĩa “tiếng chuông báo giờ chết của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các bộ phận còn lại của khối thuộc địa của nó” đã bắt đầu ngân vang.
Các đơn vị bộ đội băng rừng, lội suối tiến vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
“Giá trị quốc tế” của yếu tố mở đầu đó được biểu hiện ở chỗ như lời của Tổng thống Tunisia Bourguiba: Việt Nam với Điện Biên Phủ là “ngọn roi làm thức tỉnh” ý thức dân tộc của nhân dân châu Phi thuộc địa. Qua tấm gương Việt Nam, nhân dân châu Phi có thể đánh giá lại được sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Hơn nữa, ý nghĩa lịch sử thế giới về thắng lợi của Việt Nam không chỉ đóng khung về mặt chính trị và quân sự, vạch ra con đường cho các dân tộc bị nô dịch và áp bức mà còn bao hàm cả ý nghĩa là một sự kiện lớn về mặt tư tưởng.
Như vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của những nguyên tắc của các quyền dân tộc cơ bản chống lại nguyên tắc chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ nói riêng, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp nói chung là điểm khởi đầu của thời đại độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Với thắng lợi của Việt Nam, trong lịch sử loài người lần đầu tiên, thời đại nước lớn có thể chi phối vận mệnh của nước nhỏ đã chấm dứt, thời đại các dân tộc có thể tự quyết định lấy vận mệnh của mình, thời đại mà sự đoàn kết quốc tế chân chính có thể thực hiện được đã bắt đầu.
Thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, như lời của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa nhân dân Algeria Houari Boumediene, là “điểm khởi đầu của một cuộc chiến đấu mới để tự giải phóng... hoàn toàn" của nhân dân Algeria. Và để đối phó với cuộc chiến tranh Algeria, thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho Tunisia và Morocco vào năm 1956. Cũng trong năm này, ách thống trị của thực dân Anh đã bị sụp đổ ở Đông Sudan. Sau đó một năm, trên lãnh thổ Bờ biển Ngà và Togo thuộc Anh xuất hiện nhà nước Ghana độc lập. Noi gương các nước Bắc Phi và Tây Phi, Tổng thống Guinea Sékou Touré thay mặt cho nhân dân Guinea đã đứng lên chống lại “khối cộng đồng” của thực dân Pháp với câu trả lời đanh thép: “Chúng tôi thích nghèo khổ nhưng được tự do, hơn giàu có mà bị nô lệ!”. Năm 1958, Guinea trở thành nước cộng hòa. Và phản ứng dây chuyền không ngừng tiếp diễn, sự phá sản của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân là tất yếu.
Cùng với xu thế của cách mạng thời đại, việc giành lại độc lập của các nước châu Phi đầu tiên này đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên toàn lục địa. Quần chúng lao động ở Congo thuộc Bỉ... đã đứng lên đấu tranh chống chế độ nô lệ thuộc địa của bọn đế quốc. Làn sóng cách mạng đó ngày càng dâng cao, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở đây lung lay đến tận gốc rễ.
Bão táp cách mạng không ngừng quật vào chủ nghĩa đế quốc. Năm 1960, với tên gọi lịch sử là “Năm châu Phi” là điểm xoáy của cơn bão đó. Chỉ trong năm này đã có 17 nước tuyên bố độc lập. Đó là tất cả các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi và châu Phi xích đạo. Cùng với việc giành độc lập dân tộc, trong năm 1960 hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công đòi nâng cao mức sống cho công nhân, chống phân biệt chủng tộc... đã nổ ra ở Nam Phi, Kenya, Uganda, Tanzania...
Với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cách mạng Việt Nam không những chỉ ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh giải phóng ở châu Phi trên góc độ là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quốc tế, mà nó còn trực tiếp tác động đến cuộc đấu tranh đó trên nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau. Thắng lợi của Việt Nam đã giáng một đòn nặng nề vào nền móng của chủ nghĩa thực dân Pháp, làm cho đế quốc Pháp bị suy yếu từ trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại càng bị lung lay đến tận gốc rễ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình quốc tế đang có nhiều biến đổi quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với các nước châu Phi vẫn còn giữ nguyên giá trị. Điện Biên Phủ là ngọn cờ tiêu biểu của độc lập dân tộc, tính tự tôn, tự cường dân tộc. Với tấm gương Điện Biên Phủ, các nước châu Phi hơn bao giờ hết càng nhận rõ tầm quan trọng của độc lập dân tộc, chủ quyền dân tộc và đoàn kết dân tộc. Cùng với nhiều yếu tố thời đại, Điện Biên Phủ đã đóng góp một phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước châu Phi.
MINH KHANG (lược trích)
1. 50 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr. 120-127.
2. Theo lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, tập 1 (1920-1954) nxb Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.740
3. Trích cuốn "Tiếng sấm Điện Biên Phủ, nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.327
4. Trích Báo Nhân Dân, ngày 6-3-1974
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.