1. Tổng quan về phần Nghị luận Văn học đề thi THPT Quốc gia
1.1. Khái niệm
Nghị luận văn học được biết đến như một dạng văn bản sử dụng với mục đích bày tỏ sự cảm thụ về các tác phẩm văn học theo suy nghĩ của bản thân, đó là những lý lẽ nhằm đánh giá, phân tích, bàn luận về những vấn đề nằm trong lĩnh vực văn học giúp khám phá được thế giới nội tâm của tác giả, đồng thời cũng tìm ra được những giá trị có thể thuyết phục được người khác nghe dựa vào quan điểm và ý kiến cá nhân. Đây là phần vô cùng quan trọng trong khi ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn.
1.2. Một số yêu cầu chung cần nắm khi viết một bài văn Nghị luận văn học
-
Tìm hiểu thật kỹ về tác giả, hoàn cảnh ra đời, năm tác phẩm đó ra đời.
-
Tìm hiểu kỹ về tâm tình của tác giả.
-
Các vấn đề cần bàn luận là những vấn đề liên quan đến văn học, có thể là về tác giả, tác phẩm hay những ý kiến nhận định về tác giả, tác phẩm và nhân vật xuất hiện trong tác phẩm.
-
Đối với thể loại thơ thì cần lưu ý về hình thức như cách gieo vần, nhịp điệu, cấu trúc và những nghệ thuật ngôn từ… Đặc biệt lưu ý đến tính thẩm mỹ thể hiện trong tác phẩm.
-
Đối với những tác phẩm văn xuôi thì cần lưu ý đến cốt truyện, tình tiết, nhân vật, tình huống truyện, hình tượng điển hình. Cần khai thác tối đa nội dung hiện thực cũng như nội dung tư tưởng trong tác phẩm kèm theo những thông điệp từ tác giả. Các dẫn chứng cần phải mang tính chính xác và có chọn lọc.
1.3. Các dạng đề Văn thường gặp trong phần Nghị luận văn học đề thi THPT Quốc gia
a) Dạng 1: Nghị luận (có thể là phân tích hoặc cảm nhận) về đoạn thơ, đoạn văn
Ví dụ: Phân tích đoạn thơ dưới đây trong tác phâm “Việt Bắc” của tác giả Tố Hữu:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
……
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu… ”
b) Dạng 2: Nghị luận (có thể là phân tích hoặc cảm nhận) về đoạn trích
Ví dụ: Trong truyện ngắn mang tên Vợ chồng A Phủ, khi Mị bị A Sử trói vào cột, tác giả Tô Hoài có viết:
“Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “ Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.
(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
Từ đoạn văn phía trên, anh/chị hãy chỉ rõ hình ảnh của nhân vật Mị kèm theo nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả.
c) Dạng 3: Nghị luận liên quan đến một tình huống truyện
Ví dụ: Có nhận định cho rằng: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Từ quá trình phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy cho ý kiến về nhận định trên.
>>> Nắm trọn kỹ năng làm bài nghị luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay <<<
d) Dạng 4: Nghị luận (có thể là phân tích hoặc cảm nhận) về nhân vật ở trong các tác phẩm
Ví dụ: Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài xuất hiện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu.
e) Dạng 5: Đối chiếu, so sánh hai nhân vật, hai tư tưởng, hai chi tiết, hai đoạn thơ
Ví dụ: Vẻ đẹp xuất hiện trong nhân vật người vợ nhặt (trong tác phẩm Vợ nhặt - Kim Lân) cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài (trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)
g) Dạng 6: Bình luận một ý kiến bàn về văn học
Có ý kiến cho rằng: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.
h) Dạng 7: Nghị luận về hai ý kiến liên quan đến văn học
Về hình tượng của người lính xuất hiện trong bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng, có một ý kiến cho rằng: “Người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì lại nhấn mạnh: “Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”.
Anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên từ cảm nhận của mình về hình tượng này.
i) Dạng 8: Đề tích hợp cả văn nghị luận xã hội
Phân tích và cảm nhận về tác phẩm, sau đó liên hệ đến thực thế. Đây là một dạng bài nghị luận liên quan đến vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm văn học.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng viết:
"Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em
Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới bể."
Hai câu thơ phía trên gợi cho em suy nghĩ như thế nào về dòng sông và những bài học cuộc đời có thể rút ra từ đó?
2. Một số điểm thí sinh cần lưu ý khi ôn thi môn Văn phần Nghị luận Văn học
VUIHOC chia sẻ một số lưu ý về cách ôn tập môn văn hiệu quả. Mong các em đạt được kết quả như mong đợi. Các lưu ý như sau:
2.1. Căn chỉnh thời gian khi làm bài
Khi tham gia thi thì không chỉ so sánh với nhau ở phần kiến thức mà còn ở phần tốc độ. Tốc độ viết vô cùng quan trọng. Để có thể hoàn thành được một bài thi trong khoảng thời gian là 120 phút, học sinh cần phải phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý khoảng 75 phút đối với bài nghị luận văn học.
2.2. Phải có chiến lược mở bài
Văn hay không nhất thiết phải là văn dài, chỉ cần xem mở đầu bài là biết văn có hay hay không. Nếu muốn văn hay thì cần thật sự đầu tư chăm chút cho phần mở bài để có thể thu hút giám khảo. Nhằm tránh lãng phí thời gian suy nghĩ, hãy chuẩn bị sẵn một dạng mở bài thật hay ở nhà mà có thể áp dụng được cho hầu hết tất cả tác phẩm
2.3. Lắng nghe bản thân
Mọi thông tin xuất hiện trong các hội nhóm trên mạng xã hội đồn thổi đều không chưa chắc đã là sự thật. Hãy tập trung vào những tác phẩm văn xuôi nhưng cũng không được bỏ qua các thi phẩm. Đừng nên học tủ dựa vào sự đoán mò của cộng đồng mạng. Hãy cố gắng đọc được các ý chính trong tác phẩm trọng tâm, cố gắng nhớ được hệ thống các luận điểm trong bài.
2.4. Giữ tâm thế thoải mái trước ngày thi
Đừng lo lắng quá về đống đề cương dài ngoằng mà hãy chọn cho mình một không gian thật yên tĩnh để tập trung tối đa vào bài Văn mà không bị ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài.
Không nên học khi tâm trạng không tốt. Nếu cảm thấy sức khỏe hay tâm trạng đang không ổn thì nên dừng lại ngay việc học và thực hiện vào một thời gian khác thoải mái hơn.
>>> Xem thêm: 5 lưu ý quan trọng khi ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Văn
3. Kỹ năng làm dạng bài Nghị luận văn học ôn thi môn Văn THPT Quốc gia
3.1. Kỹ năng làm dạng đề nghị luận về bài thơ, đoạn thơ
a. Yêu cầu về kĩ năng
-
Cần có kĩ năng về phân tích đề, lập được dàn ý
-
Nêu được các luận điểm, nhận xét cũng như đánh giá về nội dung, nghệ thuật.
-
Biết vận dụng kiến thức sách vở kèm theo những cảm xúc, trải nghiệm của bản thân để có thể viết được bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ hay hình tượng thơ…
-
Vận dụng tất cả các thao tác nghị luận bao gồm phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh hoặc bác bỏ…) để làm được bài văn nghị luận hoàn chỉnh về một bài thơ, đoạn thơ.
b. Yêu cầu về nội dung kiến thức
-
Nắm được toàn bộ mục đích, yêu cầu và cả đối tượng của bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ; từ đó có thể so sánh giữa các tác phẩm thơ, đoạn thơ với nhau.
-
Nắm được các bước để triển khai được các ý trong bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.
3.2. Kỹ năng làm bài nghị luận về đoạn trích văn xuôi
Đối tượng của dạng bài này vô cùng đa dạng: Có thể đó là giá trị về nghệ thuật và nội dụng của đoạn trích nói chung, cũng có thể chỉ là một phương diện nhất định, thậm chí là một khía cạnh của nghệ thuật hay nội dung của đoạn trích đó.
Có những yêu cầu mà bài văn nghị luận về một đoạn trích văn xuôi cần có các kỹ năng để đáp ứng được:
- Phải phân biệt được giữa nghị luận về một đoạn trích với nghị luận về một tác phẩm. Tức là không được đề cập đến tất cả những nội dung liên quan đến tác phẩm mà nội dung của đoạn trích lại chỉ nói sơ qua.
- Tập trung phân tích đoạn trích nhưng cần phải biết vận dụng tất cả kiến thức của toàn tác phẩm bao gồm cách sử dụng chi tiết, nội dung tư tưởng, cách xây dựng nhân vật, cách kể chuyện, các biện pháp tu từ. Cần phải đặt đoạn văn vào một chỉnh thể của tác phẩm thì mới có thể đánh giá tác phẩm chính xác.
3.3. Lưu ý chung về các bước làm bài
a) Bước định hướng
Trước khi làm bài, thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ về nội dung, yêu cầu mà đề bài đưa ra, định hướng để xây dựng văn bản. Bước định hướng chính là một khâu vô cùng cần thiết trong bài văn nghị luận văn học. Định hướng chính xác để không gặp phải tình huống sai thể loại hay lạc đề. Vì vậy cần phải đọc thật kỹ đề và xác định những yếu tố bao gồm nội dung, thể loại, giới hạn của đề và cả những yêu cầu phụ nữa.
b) Bước lập đề cương
Cần xác định chính xác và tái hiện lại những giá trị nghệ thuật về nội dung thể hiện trong tác phẩm.
-
Nội dung cơ bản (quá trình tìm ý): cần tái hiện lại những kiến thức có giá trị về mặt nghệ thuật và nội dung của tác phẩm đó.
-
Bố cục của bài văn (quá trình lập dàn ý): Sắp xếp tất cả các ý theo một trình tự hợp lý (từ ý lớn đến ý bé, những nghệ thuật và nội dung trong bài).
Sau khi đã tìm được các ý, cần phác họa ra một dàn ý sơ lược và cuối cùng triển khai chúng thành dàn ý chi tiết.
c) Bước tạo văn bản
Trên cơ sở đã lập được đề cương, bắt đầu tiến hành việc tạo văn bản. Đây là khâu vô cùng quan trọng. Cần lưu ý đến một số vấn đề như dưới đây:
-
Chú ý về đặc điểm chung cũng như đặc điểm liên quan đến cách thức diễn đạt;
-
Tiến hành theo bố cục gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài (tức là khái quát - phân tích - tổng hợp);
-
Cần chú ý về thể loại tác phẩm nhằm chọn ra trình tự hợp lý
-
Cần liên kết được các câu, các đoạn một cách mạch lạc và hợp lý.
d) Bước kiểm tra
Sau khi viết được đoạn văn nào, ý nào cũng nên kiểm tra lại. Cần dành ra 5 phút cuối để đọc lại toàn bộ bài viết, đồng thời sửa lỗi chính tả và dấu câu.
4. Những tác phẩm trọng tâm thí sinh cần lưu ý khi ôn thi môn Văn THPT Quốc gia 2023
-
Vợ chồng A Phủ: một tác phẩm truyện ngắn điển hình trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 và cũng rất lâu rồi tác phẩm này không còn xuất hiện trong đề thi → có khả năng sẽ xuất hiện lại trong đề thi năm 2023.
-
Tác phẩm Người lái đò sông Đà: một tác phẩm cô cùng ý nghĩa của nhà văn Nguyễn Tuân, miêu tả được hình tượng đẹp đẽ của con người lao động cùng với thiên nhiên. Đã rất lâu rồi tác phẩm này không được xuất hiện trong đề thi → có khả năng sẽ xuất hiện lại trong đề thi năm 2023.
-
Ai đã đặt tên cho dòng sông: tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông xuất hiện gần đây nhất trong đề thi THPT quốc gia năm 2019. Vì thế có khả năng tác phẩm này sẽ xuất hiện lại trong đề thi vào năm 2023.
-
Tác phẩm Đất Nước của nhà văn Nguyễn Khoa Điềm cũng là một tác phẩm rất hay và ý nghĩa. Lần gần đây nhất mà tác phẩm này được xuất hiện là trong đề thi năm 2020 nên việc tác phẩm xuất hiện lại vào năm 2023 cũng có thể.
-
Việt Bắc của Tố Hữu: rất lâu rồi Tác phẩm Việt Bắc của Tố Hữu không xuất hiện trở lại trong tác phẩm thi THPT Quốc gia. Chính vì thế rất có khả năng tác phẩm này sẽ lại được xuất hiện vào năm 2023.
5. Gợi ý giải phần Nghị luận Văn học đề tham khảo môn Ngữ văn thi THPTQG 2023
Câu 2: Trong Việt Bắc nhà thơ Tố Hữu viết:
"Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng gọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"
Anh chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét về lẽ sống ân tình được thể hiện trong đoạn trích.
(Trích đề thi tham khảo môn Ngữ văn thi THPTQG 2023)
Gợi ý giải:
Câu 2:
a) Hình thức:
- Thí sinh cần viết kết hợp được giữa kiến thức với kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo dựng được văn bản bài viết
- Phải có đầy đủ, rõ ràng bố cục, văn viết cần có cảm xúc, diễn đạt một cách trôi chảy, đảm bảo được tính liên kết, không mắc phải những lỗi chính tả hay từ ngữ.
b) Nội dung:
- Giới thiệu chung: Tố Hữu được biết đến như một lá cờ đầu trong nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại. Nội dung thơ của Tố Hữu thường hướng về những sự kiện cách mạng trong quá khứ của dân tộc ở thế kỷ XX. Bài thơ Việt Bắc được ra đời sau khi kháng chiến chống Pháp dành thắng Lợi vào năm 1954. Được nhắc đến là một thi phẩm vô cùng tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Đoạn thơ diễn tả lời người đi, khẳng định lòng thủy chung đối với Việt Bắc.
- Khái quát phân tích đoạn thơ: nhận xét được lẽ sống ân nghĩa thể hiện qua đoạn trích phân tích
*Phân tích được đoạn thơ có bức tranh tứ bình
+ Mùa đông: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng:
-
Cảnh: với sắc màu xanh ngút ngàn của núi rừng điểm vào đó là những bông hoa chuối đỏ tươi như miêu tả những ngọn đuốc sáng rực, xua tan sự lạnh lẽo hiu hắt từ núi rừng. Thắp lên những ngọn lửa ấm áp, mang đến ánh sáng cũng như hơi ấm cho nơi đây.
-
Con người: trước thiên nhiên vĩ đại của núi rừng trở nên thần bí, hùng tráng hơn bởi hoạt động phát nương làm rẫy.
+ Mùa xuân: Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người ta nón chuốt từng sợi giang
-
Cảnh: hoa mơ rừng nở trắng khiến cả khu rừng bừng sáng, làm dịu đi tâm hồn của con người
-
Con người: đan nón là động tác tỉ mỉ ngồi chuốt từng sợi giang. Một vẻ đẹp được biểu hiện qua đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn, tài ba, chăm chút từng tí đối với từng sản phẩm lao động
+ Mùa hè: Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình
-
Cảnh: rừng khách tạo nên màu vàng rực của thiên nhiên dường như đột ngột chuyển qua "tự đổ" . Với tiếng ve kêu đã khiến cho cảnh vật sinh động, tưng bừng và có hồn hơn.
-
Con người: hình ảnh cô gái đi hái măng một mình đã miêu tả được vẻ đẹp của sự dễ thương, chịu khó của con người nơi đây
+ Mùa thu: Rừng thu trăng gọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
-
Cảnh: ánh trăng thật dịu nhẹ, huyền ảo gợi nên một bầu không khí thanh bình, yên ả.
-
Con người: hiện lên bởi tiếng hát thủy chung, với bao tâm tư, tình cảm sâu sắc đối với cách mạng
- Nhận xét liên quan đến lẽ sống ân nghĩa được thể hiện rõ trong đoạn trích: lẽ sống ân nghĩa được thể hiện rõ qua nỗi nhớ, sự lưu luyến trong giây phút phải chia tay giữa những cán bộ khi trở về Hà Nội với đồng bào miền núi. Lẽ sống ân nghĩa còn được bộc lộ qua sự tưởng tượng của tác giả về những kỉ niệm hay sự gắn bó giúp đỡ của đồng bào xuyên suốt quá trình chiến đấu của các chiến sĩ trong khu vực miền Bắc. Lẽ sống ân nghĩa là một nét đẹp luôn luôn hiện hữu của nhân dân ta, nó tạo được sự liên kết giữa con người và con người, góp phần gây dựng nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Kết luận: Khái quát lại một lần nữa những vấn đề và giá trị nội dung nghệ thuật
Môn Ngữ Văn là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi THPT Quốc gia. Khi nói đến môn thi này, không thể không nói đến nghị luận văn học. VUIHOC đã tổng hợp những lưu ý và một số chia sẻ để các em có thể ôn thi môn văn, đặc biệt là phần nghị luận văn học. Các em cũng đừng bỏ lỡ kỹ năng làm phần đọc hiểu văn bản đã được nhà trường chia sẻ trong bài trước. Để học được nhiều kiến thức liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia thì các em hãy truy cập vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>>>Xem thêm: Tổng hợp đề thi Văn THPT Quốc gia các năm gần đây
Hướng dẫn làm bài văn nghị luận xã hội từ A - Z