Viêm amidan có mủ là bệnh lý không hiếm gặp ở trẻ nhỏ lẫn người lớn. Ngoài việc gây ra một số vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, viêm amidan mủ còn có nguy cơ kèm theo một số biến chứng nghiêm trọng. Vậy viêm amidan có mủ là gì? Biến chứng của viêm amidan có mủ như thế nào? Người bị viêm amidan có mủ phải làm sao? Cách phòng ngừa và chăm sóc? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Viêm amidan có mủ là gì?
Viêm amidan có mủ là tình trạng tuyến amidan bị viêm nhiễm, hoại tử, có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm amidan có mủ đặc trưng với hiện tượng khối mủ màu trắng, có mùi hôi hình thành tại khoang miệng, trong các hốc, ngăn, của amidan. Các ổ mủ này chính là các mô viêm hoại tử và xác vi khuẩn, hình thành khi amidan bị virus và vi khuẩn tấn công quá mức dẫn đến tổn thương.
Viêm amidan có mủ còn liên quan đến biến chứng cục bộ của viêm amidan cấp tính hình thành áp xe quanh amidan. Áp xe amidan là sự tích tụ mủ cục bộ trong các mô quanh amidan do viêm amidan mủ. Áp xe quanh amidan xảy ra khi nhiễm trùng lan qua amidan và tích tụ mủ xung quanh mép ngoài, đẩy amidan vào trong. Ổ tích tụ nằm giữa bao amidan và các cơ siết họng.
Bởi vì khu vực này bao gồm các mô liên kết lỏng lẻo, nhiễm trùng nặng có thể nhanh chóng dẫn đến hình thành mủ. Tình trạng viêm và mưng mủ tiến triển có thể lan rộng đến trực tiếp đến vòm miệng mềm, thành bên của hầu họng và đôi khi là cả gốc lưỡi.
Đối tượng dễ mắc viêm amidan có mủ
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị viêm amidan có mủ bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên đối tượng thường gặp nhất là trẻ trước tuổi dậy thì do thời điểm này amidan hoạt động mạnh để ngăn chặn vi khuẩn và vi trùng xâm nhập.
1. Viêm amidan mủ ở người lớn
Amidan nói chung và amidan có mủ nói riêng ảnh hưởng nhiều nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người lớn hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Amidan có nguồn gốc phôi thai từ túi hầu thứ 2, thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ và tiếp tục phát triển cùng với sự lớn lên của trẻ. (1)
♦♦♦ Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây ♦♦♦
Amidan có thể đạt kích thước tối đa trong khoảng từ năm thứ 6 đến năm thứ 8 của cuộc đời, đóng vai trò như một biện pháp phòng vệ quan trọng chống lại các mầm bệnh qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa bằng cách tạo ra hàng rào miễn dịch ban đầu chống lại sự xâm phạm.
Amidan có xu hướng teo đi khi cơ thể bước vào độ tuổi trưởng thành với hệ miễn dịch hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với nhiều người, amidan vẫn tiếp tục phát triển dù ở độ tuổi trưởng thành, tình trạng viêm amidan có mủ tái phát nhiều lần do phải tiếp xúc liên tục với các tác nhân gây hại như ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, miễn dịch yếu,…
2. Viêm amidan mủ ở trẻ em
Amidan và mô vòm họng được cho là có hoạt động miễn dịch mạnh nhất trong khoảng từ 4-12 tuổi. Đó là lý do trẻ trong độ tuổi này là đối tượng rất dễ mắc viêm amidan có mủ, vì sau tuổi dậy thì chức năng hệ thống miễn dịch của amidan suy giảm và chúng có xu hướng thu nhỏ kích thước. Trẻ em đang đi học dễ bị viêm amidan mủ vì các bé chưa hình thành ý thức phòng bệnh chủ động.
Dù được cho là hiếm khi gặp phải với trẻ dưới 2 tuổi, amidan mủ vẫn có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh và thường khó phát hiện hơn do trẻ không tự nói được, trong giai đoạn này phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu bất thường của trẻ để thăm khám và can thiệp sớm.
Nguyên nhân viêm amidan có mủ
Nguyên nhân cơ bản của viêm amidan mủ xuất phát từ việc amidan bị nhiễm trùng do sự tấn công của các virus hoặc vi khuẩn.
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm amidan và viêm amidan mủ. Các virus có thể dẫn tới viêm amidan thường là virus gây cảm lạnh thông thường, bao gồm rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, adenovirus và coronavirus. Ngoài ra, một số loại virus khác như Epstein-Barr (gây bệnh bạch cầu đơn nhân), cytomegalovirus, viêm gan A, rubella và HIV cũng có thể gây viêm amidan.
Viêm amidan vi khuẩn thường do một số loại liên cầu khuẩn (Streptococcus) gây ra. Viêm amidan do vi khuẩn có thể do cả mầm bệnh hiếu khí và kỵ khí. Ở những bệnh nhân chưa được tiêm chủng vắc xin bạch hầu, Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu đôi khi cũng có thể được xem xét như một nguyên nhân.
Người bệnh bị viêm amidan cấp tính đã điều trị nhưng không hoàn toàn dứt điểm cũng có thể làm phát sinh tình trạng áp xe quanh amidan, gây ra viêm amidan có mủ. Đầu tiên là một khối phình quanh amidan phát triển, sau đó hình thành màng sinh mủ và quá trình viêm chuyển sang dạng áp xe.
Lối sống có liên hệ mật thiết tới việc người bệnh bị viêm amidan có mủ. Người lạm dụng rượu bia, thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc viêm amidan cao hơn và khiến viêm amidan tái phát nhiều lần. Ở những bệnh nhân mắc bệnh lý liên quan đến tình dục thì virus HIV, giang mai, lậu và chlamydia có thể được coi là những nguyên nhân bổ sung.
Những yếu tố khác như thời tiết thay đổi thất thường, vệ sinh khoang miệng không sạch sẽ, tiếp xúc với không khí, nguồn nước ô nhiễm, khói bụi, hóa chất, người có bệnh lý tai mũi họng, viêm nha chu, viêm xoang,… cũng có nguy cơ bị bệnh viêm amidan có mủ cao hơn.
Tình trạng amidan bị nhiễm trùng dai dẳng, sưng tấy thường xuyên, tái phát nhiều lần nếu không biết cách chăm sóc và điều trị triệt để sẽ chuyển sang mạn tính, khiến người bệnh buộc phải “sống chung” với viêm amidan.
Triệu chứng viêm amidan có mủ
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm amidan có mủ bao gồm sốt, đau và sưng tấy cổ họng và dưới hàm, có tiết dịch amidan, xuất hiện mủ, mảng trắng hoặc vàng trên amidan.
Khi viêm amidan lan đến các mô mềm, có thể dẫn đến hình thành áp xe amidan (viêm mủ amidan). Các triệu chứng bao gồm đau một bên họng dữ dội, khó nuốt, sốt, đau tai và sưng hạch cổ không đối xứng; cứng hàm, giọng “khoai tây nóng” hoặc “ngậm hạt thị” (giọng nói khi phát âm giống như đang ngậm vật nóng trong miệng); biểu hiện nhiễm độc, giao tiếp bằng mắt kém, dễ kích thích, mất tập trung, sốt, lo lắng, chảy nước dãi, hôi miệng nghiêm trọng, ban đỏ amidan; khi khám thực thể trong khoang miệng sẽ nhìn thấy được amidan nhiễm trùng sưng to, vòm miệng mềm phồng lên ở phía trên và lưỡi gà lệch một bên về phía đối diện với bên bị nhiễm trùng.
Về mặt cảm nhận, người bệnh có thể thấy rát họng, vướng cổ, nói chuyện bị khàn tiếng hoặc mất tiếng, ho khan hoặc ho có đờm; khi ho, hắt hơi hoặc khạc ra sẽ thấy kèm hạt lấm tấm nhỏ và có mùi hôi.
Đối với trẻ nhỏ chưa biết nói, phụ huynh có thể quan sát các dấu hiệu bất thường như chảy nước dãi (do nuốt khó hoặc đau), không chịu ăn, cáu kỉnh bất thường, khò khè, ngủ ngáy, hơi thở có mùi. Viêm amidan cũng có thể gây ra các triệu chứng không điển hình, đặc biệt ở trẻ em bao gồm đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn.
Biến chứng của viêm amidan có mủ
Nhiều người chủ quan trước tình trạng viêm amidan có mủ hoặc không biết viêm amidan có mủ phải làm sao, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe, giao tiếp, sinh hoạt mà vô tình khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
1. Biến chứng tại chỗ
Đối với một số người chưa từng mắc qua viêm amidan sẽ khó hình dung viêm amidan có mủ như thế nào, đôi khi có thể nhầm lẫn với một số triệu chứng cảm sốt thông thường. Biến chứng tại chỗ của bệnh viêm amidan có mủ thể hiện ở việc cổ họng và amidan thường đỏ lên do amidan nhiễm trùng, trên amidan thường có mủ - mảng trắng hoặc đốm trắng, khiến người bệnh đau cổ họng. Hạch bạch huyết sưng to, đau, hạch trước cổ cũng có thể xuất hiệu dấu hiệu sưng.
Một đặc điểm của viêm amidan đó là sự hình thành của sỏi amidan, đây là những khối kết tủa trắng được tạo nên từ các mảnh vụn tế bào và vi khuẩn còn sót lại, sỏi amidan gây ra chứng hôi miệng, đôi khi đau tai như có vật thể lạ, sỏi amidan có thể loại bỏ bằng tăm bông tuy nhiên nếu sỏi quá lớn có thể cần phải can thiệp bằng biện pháp y tế để lấy ra.
Người bị viêm amidan có mủ thường xuyên trong trạng thái khó nuốt, có cảm giác vướng và đau khi nuốt nước bọt. Khi nhiễm trùng lan rộng, các ổ mủ hình thành, người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, giọng nói nghe như bị bóp nghẹt. Nếu nguồn gốc viêm amidan là do virus, các triệu chứng cảm lạnh điển hình như ho hoặc nghẹt mũi cũng có thể xảy ra.
2. Biến chứng vùng xung quanh
Hiếm gặp hơn, bệnh viêm amidan có mủ có thể gây ra một số biến chứng ở các cơ quan lân cận. Nhiễm trùng amidan nếu không được kiểm soát đúng cách sẽ có khả năng lan sang các mô vùng cổ họng và ngực. Áp xe quanh amidan có thể đi kèm với sự phát triển của các biến chứng khác như tắc nghẽn đường thở.
Hơn nữa, có thể xảy ra nhiễm trùng họng sâu với vùng cổ cạnh họng, sau họng. Viêm amidan có mủ cũng có thể lây lan qua ống Eustachian (ống hẹp nối tai giữa với họng có chức năng cân bằng áp lực giữa tai và hầu họng) gây nhiễm trùng tai hoặc qua sau mũi vào xoang gây nhiễm trùng xoang.
3. Biến chứng toàn thân
Ở trường hợp nặng, người bị viêm amidan có mủ có thể gặp phải các biến chứng hết sức nguy hiểm. Vi khuẩn từ ổ áp xe amidan có thể xâm nhập vào tĩnh mạch cổ gần đó, lây nhiễm vào máu và gây nhiễm trùng máu, tình trạng này gọi là hội chứng Lemierre người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. (2)
Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm amidan cấp tính do liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A gây ra có thể khiến bệnh nhân bị sốt thấp khớp và nguy cơ thấp tim. Sốt thấp khớp là một bệnh viêm miễn dịch xảy ra khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, phổ biến nhất là gây ra bệnh viêm khớp.
Biến chứng viêm amidan có mủ cũng có liên quan đến chứng viêm cầu thận. Viêm cầu thận sau liên cầu khuẩn là một rối loạn qua trung gian miễn dịch sau khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh nhân có biểu hiện phù nề, tăng huyết áp, cặn nước tiểu bất thường, giảm protein máu,…
Bệnh viêm amidan có mủ còn gây ra các biến chứng nội tạng, viêm trung thất, viêm cân hoại tử, xói mòn động mạch cảnh trong và áp xe não. Bệnh nhân có thể xen kẽ giữa các dạng biến chứng nhiễm trùng cổ sâu. Những biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng hết sức nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh, việc chẩn đoán và điều trị đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên chuyên khoa rộng rãi.
Điều trị viêm amidan có mủ
Mỗi người bệnh có mức độ viêm amidan có mủ khác nhau, mục tiêu chính của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát cũng như lan rộng gây ra biến chứng tại các cấu trúc khác. Dựa trên tình trạng người bệnh, thông qua thăm khám và đánh giá, bác sĩ sẽ có phương án lên kế hoạch điều trị cụ thể.
1. Điều trị nội khoa
Nếu người bệnh bị viêm amidan có mủ kèm theo triệu chứng nóng sốt, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen hoặc acetaminophen (paracetamol) để làm giảm triệu chứng.
Với bệnh nhân viêm amidan do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh giúp cho tình trạng viêm amidan nhanh khỏi và ngăn bệnh tiến triển gây biến chứng.
2. Phẫu thuật cắt amidan
Vì amidan là một phần của hàng rào miễn dịch, do đó thông thường các biện pháp bảo tồn sẽ được ưu tiên trong điều trị. Phẫu thuật viêm amidan có mủ sẽ được cân nhắc áp dụng khi biện pháp dùng thuốc và chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả, viêm amidan tái phát thường xuyên, gây tắc nghẽn đường hô hấp, khó thở, mất ngủ.
Các phương pháp phẫu thuật amidan phổ biến hiện nay bao gồm: công nghệ sóng cao tần (máy coblator và dao plasma), laser, dao mổ điện, dao mổ siêu âm. Với người bị viêm amidan có mủ do áp xe quanh amidan làm nghẽn đường thở, bác sĩ sẽ dùng kim chọc vào túi mủ và hút chất lỏng ra hoặc rạch và dẫn lưu để mủ trên ổ áp xe chảy ra. Phẫu thuật cắt amidan thường diễn ra trong khoảng 20 - 30 phút và người bệnh có thể về sau 24 giờ theo dõi tại bệnh viện.
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng công nghệ Coblator, dao Plasma thế hệ mới cắt amidan với nhiều ưu điểm vượt trội: dao cắt nhiệt độ thấp 60-70 độ C, nhẹ nhàng loại bỏ triệt để ổ viêm, không làm tổn thương các mô xung quanh. Thời gian thực hiện nhanh chóng trong 30 phút, bệnh nhân hồi tỉnh sau mổ 10 phút, có thể nói chuyện, ăn uống sau 3 giờ và xuất viện trong vòng 24 giờ nằm viện. Thủ thuật này không ảnh hưởng giọng nói, hạn chế nguy cơ tái phát áp xe quanh amidan.
3. Chăm sóc tại nhà
Điều trị viêm amidan tại nhà, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp các biện pháp hỗ trợ giảm đau, bù nước bằng đường uống,… Dưới đây là một số khuyến cáo khi chăm sóc viêm amidan có mủ tại nhà:
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp. Có thể dùng trà với mật ong và chanh để làm dịu cơn đau cổ họng.
- Súc miệng bằng nước muối ấm.
- Sử dụng thuốc xịt họng hoặc viên ngậm không kê đơn để giảm đau họng.
- Dùng thuốc không kê đơn để hạ sốt và giảm đau theo chỉ dẫn.
Viêm amidan mủ có lây không?
Bản thân amidan mủ không thể lây lan, tuy nhiên vi khuẩn và virus gây viêm amidan mủ có thể lây qua những giọt bắn. Nói cách khác, khi người nhiễm bệnh nói chuyện hoặc hắt hơi, những giọt bắn chứa vi trùng sẽ bay vào không khí. Sau đó, chúng có thể tiếp xúc với màng nhầy của người khác và bắt đầu nhân lên.
Viêm amidan có mủ nguy hiểm không?
Bị viêm amidan có mủ sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Đôi khi viêm amidan mủ không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu chủ quan, viêm amidan mủ có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm, nguy cơ nhiễm trùng lan sang các mô và cơ quan khác, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Cách phòng viêm amidan có mủ
Để phòng ngừa viêm amidan có mủ mọi người cần giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Để tránh không khí ô nhiễm và vi khuẩn xâm nhập đường hô hấp, cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường khói bụi, hóa chất. Các tác nhân gây viêm amidan có mủ có thể lây lan, do đó nên giữ khoảng cách tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh. Người bệnh viêm amidan mạn tái phát, amidan mạn tính cần thăm khám và trao đổi với bác sĩ về tần suất viêm, phòng ngừa trường hợp tái phát thường xuyên dẫn đến hình thành áp xe amidan.
Viêm amidan có mủ nên ăn và kiêng ăn gì?
Người bị viêm amidan có mủ cần tránh ăn các loại khô cứng, cay nóng có thể gây tổn thương, kích ứng khu vực bị viêm. Đá lạnh, nước ngọt, nước có gas và các loại đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia cũng cần hạn chế.
Để tăng sức đề kháng, người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm, trái cây chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C như cam, bưởi, cà chua…; thực phẩm chứa kháng sinh tự nhiên như trà xanh, húng chanh, mật ong, gừng… Ăn các loại thức ăn mềm như cháo, súp để cổ họng dễ tiếp nhận. Uống đủ nước để hạn chế tình trạng khô cổ và sự sinh sôi của vi khuẩn trong khoang miệng.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị viêm amidan và các bệnh tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:
Viêm amidan có mủ là tình trạng phổ biến của viêm amidan. Ngoài việc gây khó chịu cho người mắc, viêm amidan có mủ còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm đến tim, phổi, khớp… Để phòng ngừa viêm amidan có mủ, cần chăm sóc và quản lý tốt tình trạng amidan của cơ thể, tránh nhiễm trùng amidan thường xuyên bằng việc xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý. Khi tình trạng viêm amidan tái phát thường xuyên hoặc phát hiện viêm amidan có mủ, cần đến cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng uy tín để được thăm khám, can thiệp sớm.